Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

|

Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

Luật số 26/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2024 (Luật Căn cước) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Để thực hiện Luật Căn cước nhanh chóng và hiệu quả, ngày 14/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 175/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước.

Luật Căn cước có 4 Chương, gồm 46 Điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật được áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Luật Căn cước là một trong những dự án luật quan trọng mới được Quốc hội thông qua

Một số điểm mới của Luật Căn cước so với Luật Căn cước công dân năm 2014 đó là: (i) Chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước. (ii) Người dân đang có thẻ CCCD cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. (iii) Bỏ dùng thẻ Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025, theo đó, mọi Chứng minh nhân dân đều phải thực hiện việc đổi sang thẻ Căn cước từ ngày 01/01/2025 tới đây. (iv) Thẻ Căn cước đã bỏ mục quê quán thay vào đó là nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh; và nơi cư trú; bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng. (v) Người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024 có thể được cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu. (vi) Bổ sung Giấy chứng nhận căn cước có giá trị để chứng minh về căn cước để thực hiện giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, trong thời hạn 01 năm. (vi) Bổ sung Căn cước điện tử từ ngày 01/7/2024. (vii)  Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học được thu thập vào Cơ sở dữ liệu căn cước ngoài các thông tin sinh trắc học trước đây, từ 01/7/2024 sẽ bổ sung thêm thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân trên 06 tuổi.

Để triển khai thi hành kịp thời, thống nhất, hiệu quả, Kế hoạch Triển khai thi hành Luật Căn cước được ban hành nhằm mục đích: Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Căn cước trên phạm vi cả nước. Nâng cao nhận thức về Luật Căn cước và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thi hành Luật.

Yêu cầu của Kế hoạch là: Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước. Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm, vai trò chủ trì của Bộ Công an trong việc phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm tính thống nhất, chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Căn cước.

Triển khai thi hành Luật Căn cước được thực hiện với 8 nội dung chính, gồm: (1) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước. (2) Tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước. (3) Biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước. (4) Rà soát văn bản quy phạm pháp luật. (5)  Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Căn cước. (6)  Tổ chức triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. (7) Bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. (8) Tổ chức kiểm tra việc thi hành Luật Căn cước và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật./.

 
Thu Hiền