Tết Việt thời 4.0

|

Tết Việt thời 4.0

Từ nhiều đời nay, Tết cổ truyền đã trở thành truyền thống văn hóa thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt, chứa đựng bên trong những giá trị ý nghĩa và nhân văn. Cùng với dòng chảy của thời đại, Tết cổ truyền thời nay đã biến chuyển mạnh mẽ, mang đến những sắc thái mới mẻ, đa dạng, phong phú hơn với việc công nghệ 4.0 hoà nhập và tham gia kết nối hầu hết các hoạt động.

“Ăn Tết” được thay bằng khái niệm “đón Tết, chơi Tết”

Tết xưa, các cụ nhà ta gọi là “ăn Tết” vì thời gian kéo dài từ rằm tháng Chạp cho đến khi “ra mùng”, tức là ngày mùng 10 tháng Giêng. Có những nơi, bà con ăn Tết đến tận ngày Tết Thượng nguyên tức là ngày rằm tháng Giêng, ai nấy đề tạm gác lại mọi công việc, ăn và vui chơi ngày Tết đúng nghĩa.

Tết xưa là dịp để mọi người được ăn no, ăn ngon; cũng là gửi gắm ước vọng về một năm mới đủ đầy, ấm no. Theo truyền thống, ngay từ đầu tháng Chạp, mọi công việc chuẩn bị đón Tết đã được khởi động. Và trong 10 ngày cuối cùng của năm cũ, mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau chung tay lo Tết. Việc mua sắm được lên kế hoạch tính toán từ rất sớm trong những ngày cuối tháng Chạp như gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, nấu nướng mâm cỗ cúng gia tiên… Ai cũng tất bật vì mong muốn sửa soạn đón Tết tươm tất.
Ảnh minh họa

Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng đủ đầy, khi mâm cơm ngày thường đã đầy ắp những món ngon, sơn hào hải vị thì việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. Cuộc sống hiện đại, mức sống được nâng cao, con người không chỉ mong một cái Tết no đủ như trước mà Tết là để “ăn ngon, mặc đẹp”. Người Việt đã đơn giản việc “ăn Tết” bằng khái niệm “đón Tết”. Do đó, người dân đang có xu hướng tận dụng những ngày nghỉ Tết để nghỉ ngơi và đi du lịch - “đón Tết” ở một nơi xa… 

Mua sắm Tết

Ngày nay, việc mua sắm đồ đón Tết cũng không cầu kỳ, vất vả như trước. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, chỉ cần ngồi nhà, vào các trang mua sắm trực tuyến là mọi gia đình có thể thoải mái chọn lựa các mặt hàng ẩm thực, quà Tết, bánh kẹo hết sức phong phú ngày Tết và được giao hàng tận nhà. Từ chiếc bánh chưng đến các loại giò, giò me, giò thủ, gà luộc, gà hấp muối, vịt quay, chim tần nhồi hạt sen... cho đến những món đồ ăn phương Tây như gan ngỗng Pháp, xúc xích Đức, bánh mì đen Nga, chân giò lợn đen Tây Ban Nha, đùi gà xông khói Hàn Quốc hay bánh kẹo, mứt quả, chè, thuốc, rượu vang... xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới đều có thể đặt mua và giao đến tận nhà. 

Đáp ứng nhu cầu mua sắm online, nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh cũng nhanh chóng nắm bắt “khẩu vị” của các “thượng đế” để phục vụ tận tình. Nếu quá bận, các bà nội trợ có thể lựa chọn những gian bếp online với các món gà luộc buộc cánh tiên ngậm cành hoa hồng cúng Giao thừa, mùng Một. Ngay cả mâm cơm cúng, mâm cỗ Tết, những đồ ăn sẵn như giò lụa, thịt đông, nem chả… lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ.

Thậm chí chơi đào, hay quất chỉ cần vào các tài khoản mạng xã hội của nhà vườn, chụp hình ảnh gửi qua Zalo hoặc Facebook là có thể chọn được cây ưng ý và được vận chuyển đến tận nhà mọi lúc. 

Gói bánh chưng

Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Mỗi khi Tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.

Ngày nay, việc gói bánh chưng ngày Tết được “hỗ trợ” khá nhiều từ công nghệ. Những người trẻ tuổi muốn gói bánh chưng có thể lên mạng internet tìm kiếm những video hướng dẫn cách gói bánh, luộc bánh sao cho đẹp và nhanh nhất. Việc luộc bánh cũng được đơn giản hóa rất nhiều nhờ những chiếc nồi bằng điện.

Dọn dẹp nhà cửa cuối năm

Không chỉ mua sắm, công việc dọn dẹp nhà đón Tết mỗi dịp Tết đến, xuân về cũng là mối bận tâm đối với các gia đình có cơ ngơi rộng rãi, nhiều đồ đạc lại neo người, ít có thời gian chăm sóc thường xuyên cho ngôi nhà của mình. Với công nghệ 4.0, việc dọn dẹp nhà đã hoàn toàn thay thế bởi các loại vật dụng thông minh như máy hút bụi, rô-bốt lau nhà thông minh hay dịch vụ dọn nhà trọn gói dịp Tết luôn sẵn sàng hỗ trợ tận tình, chu đáo.

Nhanh - Nhàn - Tiện lợi chính là những giá trị hỗ trợ của công nghệ 4.0 đem lại giúp cho mọi người có được sự thư nhàn, thong thả dịp cuối năm để cảm nhận, tận hưởng không khí Tết hay hoà mình vào các hoạt động nhộn nhịp khác chỉ Tết mới có như chợ Tết, lễ hội Tết, hay du xuân Tết tại những vùng miền xa xôi.

Gắn kết yêu thương

Công nghệ 4.0 giúp cho mọi người tại khắp mọi miền Tổ quốc, hay ở những quốc gia khác nhau dễ dàng kết nối, trò chuyện với nhau. Nếu như trước đây, khi phương tiện giao thông còn khó khăn, internet và smartphone chưa phổ biến, những người con ở phương xa luôn cảm thấy day dứt, tiếc nuối nếu như không về quê đón Tết với gia đình và chỉ biết gửi gắm tình cảm, niềm nhớ thương khôn nguôi thông qua những lá thư, cánh thiệp.

Ngày nay, công nghệ phát triển, thông qua nhiều ứng dụng xã hội như: Zalo, Messege chat, Livestream, Viber…, dù ở tận phương trời nào con người cũng có thể kết nối với nhau, giúp rút ngắn khoảng cách không gian và khỏa lấp nỗi nhớ mong, đặc biệt là trong những dịp sum vầy khi Tết đến, xuân về.

Trước đây người ta gặp nhau dịp Tết, tay bắt mặt mừng, trao cho nhau lời chúc và tặng nhau phong bao lì xì đỏ chói lấy hên, nhưng giờ đây, chỉ bằng một cái chạm, người ta có thể lì xì cho nhau bằng cách chuyển khoản, qua thẻ cào điện thoại.

Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, còn có xu hướng đi du lịch của những gia đình hiện đại vì họ cho rằng hàng ngày quá bận rộn mưu sinh nên lễ, Tết sẽ là thời gian riêng tư ngơi nghỉ hay hưởng thụ các sản phẩm tinh thần như xem phim, tham gia lễ hội âm nhạc...

Không phủ nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang giúp con người xích lại gần nhau hơn. Cuộc sống thay đổi nhiều, hiện đại, tiện lợi hơn rất nhiều, sự giao lưu giữa mọi người trở nên đa dạng hơn, giải quyết được vấn đề khoảng cách thông tin liên lạc, giao lưu, giao tiếp xã hội. Song những giá trị nhân văn, sự sẻ chia, yêu thương, gắn kết, sum vầy giữa người với người, những giá trị truyền thống do chính con người tạo nên thì công nghệ không thể nào thay thế được.

4.0 có làm mất vị Tết?

Tết 4.0 hiện đại và Tết truyền thống đã và đang ngày càng giao thoa, hòa trộn đem đến những phong vị mới giữa dòng chảy hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại. Dù muốn dù không, chúng ta rất khó để đứng ngoài cuộc và không thể ngăn “bánh xe công nghệ” ngừng quay. Quan trọng là thái độ, cách thức mỗi người tiếp nhận và ứng xử thế nào sẽ quyết định giá trị sống của chúng ta.

Công nghệ 4.0 có thể giúp chúng ta dễ dàng mua bán, trao đổi và có được nhiều thứ. Song những giá trị nhân văn, sự sẻ chia, yêu thương, nét văn hóa, trải nghiệm cá nhân, không phải bao giờ cũng có thể mua bán hoặc thay thế bởi công nghệ. Công nghệ phát triển có thể mở ra nhiều hơn những phương tiện, giao diện để tương tác và chuyển tải, nhưng không thể thay thế tình cảm. Công nghệ sẽ mãi chỉ là công cụ bổ trợ hiệu quả nhất, giúp con người dành thời gian nhiều hơn bên nhau để tôn vinh những nét đẹp truyền thống. Hương vị Tết sẽ còn thay đổi nhưng suy cho cùng giá trị cốt lõi vẫn nằm ở con người, do con người kiến tạo và lưu giữ.

Những dịch chuyển, xê dịch, thay đổi giữa Tết truyền thống và hiện đại cũng là phù hợp với xu hướng để mỗi người cảm nhận cái Tết theo cách của riêng mình. Và dù có thế nào thì luôn có những điều không thể thay đổi: Tết vẫn là dịp vô cùng đặc biệt, là thời điểm để gia đình sum vầy, thưởng thức những bữa cơm tất niên, cùng nhìn lại một năm cũ đã qua và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất một năm mới an khang, thịnh vượng./.