Những năm qua, đội ngũ già làng, người có uy tín tại các xã, thôn, bản đã phát huy vai là cánh tay nối dài đồng hành với chính quyền địa phương, thường xuyên làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn đi đầu trong phát triển kinh tế; vận động bà con bãi bỏ các phong tục tập quán lạc hậu như: Ma chay, thách cưới, lãng phí trong chi tiêu; xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm.
Phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong tuyên truyền vận động
Tại hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đời sống của đồng bào DTTS nơi đây đang ngày càng thay đổi. Già làng, người có uy tín cùng chính quyền địa phương thường xuyên làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhận thức của người dân là đồng bào DTTS&MN đã tăng lên với việc chấp hành tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động dân tích cực tham gia trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cải tạo vườn tạp, xóa đói giảm nghèo.
Huyện Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế trong nhiều lễ hội trước kia của người Cơ Tu thường có nghi thức đâm trâu. Song, gần 10 năm nay, nghi thức này đã được loại bỏ. Có được kết quả này là nhờ chính quyền huyện Nam Đông tổ chức nhiều hội nghị, thuyết phục bà con bỏ tục lệ đâm trâu. Đồng thời, Huyện đã tổ chức các cuộc gặp gỡ già làng, trưởng bản, những người có uy tín để tuyên truyền, vận động, giải thích về bỏ tục đâm trâu. Từ đó, bằng kiến thức và uy tín, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín tuyên truyền, vận động giải thích đên bà con để giúp bà con hiểu và thay đổi, không duy trì tục lệ đâm trâu. Các già làng, trưởng bản, những người có uy tín được xem là những “cánh tay nối dài” đồng hành với chính quyền,giúp củng cố khối đjai đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường và ý chí vươn lên của đồng bào DTTS.
Vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín còn được phát huy trong vận động bà con địa phương làm ruộng, làm vườn, xây dựng nông thôn mới; đoàn kết xóm làng, đoàn kết cộng đồng. Thông qua vận động, nhiều bà con DTTS đã biết tận dụng khoa học kỹ thuật, phân bón, làm đúng thời vụ, cây giống năng suất cao, góp phần vào xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, với kiến thức, kinh nghiệm, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ lâu đã trở thành chỗ dựa của bà con, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các DTTS. Bà con trước đây chỉ biết lên nương, lên rẫy thì nay được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; loại bỏ các hủ tục; con em đồng bào được đến trường; mạng lưới y tế phủ kín các thôn, bản.
Tỉnh Bình Phước hiện có 345 người có uy tín và 96 già làng. Những năm qua, đội ngũ già làng, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ là những điển hình, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương. Để giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, già làng, người có uy tín trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn người dân cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ; vận động Nhân nhân hiến đất, cây trồng và tích cực tham gia đóng góp công sức trong xây dựng nông thôn mới.
Vai trò của già làng, người có uy tín cũng được phát huy trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thay đổi phong tục từ bao đời nay trong chăn nuôi thả rông và thường nhốt, cột đàn gia súc xung quanh nhà gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan khu dân cư để chuyển sang đưa đàn trâu, bò ra địa điểm nuôi nhốt tập trung hoặc xa khu dân cư góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong bảo vệ biên giới, vai trò già làng, người có uy tín cũng đã phát huy hiệu quả. Tỉnh Bình Phước có 3 huyện biên giới là Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập với 124 thôn, ấp/15 xã biên giới. Những năm qua, già làng, người có uy tín vùng đồng bào DTTS luôn gương mẫu tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân, và người thân trong gia đình tham gia tự quản đường biên, cột mốc để giữ gìn an ninh, trật tự tuyến biên giới. Theo đó, từ năm 2018 đến nay đã có 33 tập thể, 207 cá nhân tham gia tự quản đường biên, cột mốc với chiều dài hơn 258km. Mỗi người dân khu vực biên giới đang góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Nâng cao chât lượng hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách động viên, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín. Theo đó, hàng năm, già làng, người có uy tín được đi tham quan, học hỏi các mô hình hay cách làm sáng tạo của đồng bào DTTS trên địa bàn toàn quốc. Định kỳ, những người có thành tích tiêu biểu được biểu dương, tuyên dương, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Tại tỉnh Quảng Nam thường xuyên quan tâm hỗ trợ đội ngũ già làng, người có uy tín với việc thực hiện một số chính sách động viên như: Cấp phát ấn phẩm sách báo, tổ chức cho già làng, người có uy tín đi tham quan, học hỏi trong và ngoài Tỉnh. Tổ chức hàng chục lớp tập huấn, nâng cao kiến thức tuyên truyền, vận động cho đội ngũ già làng, người có uy tín ở cơ sở. Hiện, tỉnh Quảng Nam có 397 già làng, người có uy tín cấp Tỉnh, ngoài ra còn có đông đảo người có uy tín cấp huyện, xã được người dân bầu chọn.
Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND các huyện, thành phố Cà Mau lồng ghép tổ chức 18 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với 34 lượt người có uy tín tham dự; cấp tỉnh tổ chức 4 cuộc với 219 lượt người có uy tín tham dự và phối hợp với Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) tổ chức 1 lớp tại Tỉnh có 9 người uy tín tham dự.
Có thể thấy, những nỗ lực của đội ngũ già làng, người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các DTTS. Thông qua vai trò, tiếng nói của các già làng, người có uy tín, nhiều hủ tục ở các địa phương dần được xóa bỏ./.
K.H