Giảm nghèo bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

|

Giảm nghèo bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tốc độ giảm nghèo nhanh. Kết quả thực hiện các tiêu chí đánh giá về mức độ thiếu hụt dịch vụ cơ bản xã hội đã được nâng lên, đời sống người dân trong Vùng từng bước được cải thiện.
 
Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Vùng có xu hướng giảm qua các năm

Nhờ triển khai hiệu quả những chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo đã giúp cho số hộ nghèo và cận nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm qua các năm. Mặc dù năm 2022, số hộ nghèo và cận nghèo ở một số tỉnh trong Vùng tăng lên so với năm 2021, tuy nhiên kết quả này là do việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều từ năm 2022. Trong đó, nét nổi bật trong thực hiện chính sách giảm nghèo của Vùng là đã vận dụng các cách làm, mô hình hiệu quả để thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo. Chính quyền các địa phương đã tích cực chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ sở, bộ phận chuyên môn. Các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, như: Chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế cho người nghèo; các chính sách dạy nghề, hỗ trợ việc làm, chính sách nhà ở, trợ giúp pháp lý… Công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng, bảo đảm yêu cầu. Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được công bố kịp thời, bảo đảm cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, với độ tin cậy và chính xác cao. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của đồng bằng sông Cửu Long đạt nhiều kết quả thiết thực, hướng trọng tâm vào giảm nghèo bền vững.

Đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng được tiếp cận đầy đủ, góp phần cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. Nhận thức trong Nhân dân, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi hành vi để tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu vươn lên khá giàu. Nguồn đầu tư cho hộ nghèo ngày càng được quan tâm, có sự tập trung, không phân tán, dàn trải. Nhiều dự án, chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ và phù hợp, có sự tác động mạnh mẽ giúp cho nhiều hộ nghèo nhanh chóng thoát nghèo…

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 4,1 triệu đồng/tháng. Mức này thấp hơn mức trung bình của cả nước là 4,673 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn xếp thứ 3 trong các vùng, sau Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức rất cao 36,9% năm 1998 xuống 12,6% năm 2010 và đến năm 2022 là 2,26%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước (4,03%) và chỉ xếp sau khu vực đồng bằng sông Hồng (1,00%) và Đông Nam Bộ (0,21%).

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều của cả nước là 7,52%; tỷ lệ nghèo đa chiều của đồng bằng sông Cửu Long là 5,73%. Các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều cao ở đồng bằng sông Cửu Long là Bến Tre 7,16%, Hậu Giang 8,53%, Sóc Trăng 12,40%, An Giang 7,42%, Bạc Liêu 8,5%. Các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp là Cần Thơ 2,58%, Long An 3,27%, Tiền Giang 3,28%. Đặc biệt, các tỉnh/thành phố, như thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp đã “xóa trắng” các xã nghèo.

Kết quả giảm nghèo tại một số tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây cũng là địa phương triển khai tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Hưởng ứng Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, năm 2022, thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể hóa gắn với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách của Trung ương về giảm nghèo, an sinh xã hội, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo. Kết quả đến cuối năm 2022 qua rà soát hộ nghèo toàn thành phố có 1.009 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,28%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,52%, vượt 0,08% so với kế hoạch, hiện thành phố Cần Thơ không còn hộ nghèo, cận nghèo chính sách, không có hộ tái nghèo, tái cận nghèo…

 

Chương trình đi bộ - Đồng hành vì người nghèo tại TP Cần Thơ - Tháng 11/2023

 
Cùng với đó, thành phố Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều mô hình, dự án kinh tế hiệu quả, trong 10 năm qua thành phố có 147 mô hình sinh kế giảm nghèo, phát huy thế mạnh miền sông nuớc, điều kiện tự nhiên phù hợp như: Trồng cây ăn trái, mít, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, xoài cát…; chăn nuôi gà, vịt, cá, lươn…; Phát triển nghề đan với nguyên liệu từ cây tre, thân lục bình; dệt chiếu; đan lưới; mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… đã giúp người dân thoát nghèo và thoát cận nghèo, các mô hình vẫn được duy trì, mở rộng quy mô, phát triển thành tổ, nhóm, hợp tác xã. Hiện thành phố có 33 mô hình sinh kế/giảm nghèo (năm 2022 tăng 8 mô hình sinh kế so với năm 2021) được nhân rộng, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình “Vận động hỗ trợ phát triển kinh tế”; mô hình “Hợp tác xã Đan đát Quốc Noãn - huyện Thới Lai”; mô hình “May công nghiệp - huyện Thới Lai”.

Tại tỉnh Đồng Tháp, để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Trong đó, chương trình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp và việc làm được lồng ghép chặt chẽ với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều đối tượng hưởng lợi, nhất là người nghèo có việc làm và tăng thu nhập. Từ năm 2022 đến nay, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tỉnh trên 150 tỷ đồng và các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nguồn kinh phí của Chương trình, tập trung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh giảm dần qua từng năm. Trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Tỉnh từ 3,13% giảm còn 2,17% (giảm 0,96%, vượt chỉ tiêu được giao là giảm 0,4%), tỷ lệ hộ cận nghèo từ 5,09% giảm còn 3,23%. Dự kiến đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025) tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,4%, từ 2,17% đầu năm xuống còn 1,77% theo chuẩn Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ (theo quy định rà soát vào thời điểm cuối năm).

Không chỉ triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện giảm nghèo, hàng năm từ nguồn kinh phí thực hiện giảm nghèo về thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn Tỉnh tổ chức xây dựng chuyên trang về giảm nghèo trên Báo Đồng Tháp giới thiệu mô hình giảm nghèo, các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, gương phấn đấu vươn lên thoát nghèo; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện “Chương trình Vượt dốc” khen thưởng và động viên những cá nhân tiêu biểu có phương án, kế hoạch sản xuất, làm dịch vụ, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại tỉnh Vĩnh Long, thông tin tại buổi làm việc của đoàn công tác giám sát thực hiện các Chương trình MTQG; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại tỉnh Vĩnh Long (tháng 10/2023), cho biết, công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững tại Tỉnh thời gian qua đạt kết quả tốt. Kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Long đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,41%/năm, tỷ hộ nghèo của Vĩnh Long năm 2021 là 2,01%, tỷ hộ nghèo năm 2022 là 1,44 %, ước năm 2023 là 1,03%. Tính đến tháng 10/2023 tỉnh có 84% xã đạt chuẩn nông thôn mới (73/87 xã), trong đó, xã nông thôn mới nâng cao chiếm tỷ lệ 37%; có 2/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 85% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (trong đó có 38% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao), có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cùng với các chính sách tổng thể thực hiện 03 Chương trình MTQG, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác do chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Tỉnh cũng đã phát huy vai trò là một thành phần quan trọng trong các Chương trình MTQG. Từ đó tạo điều kiện cho các đối tượng có liên quan tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách thuận lợi, nhanh chóng để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống,… góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu các Chương trình đã đề ra. Thống kê về tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 30/9/2023 của tỉnh Vĩnh Long đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt gần 21%; trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu vào tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm. Dự kiến, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn Tỉnh giảm 0,41%; thực hiện hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo và người thuộc hộ cận nghèo; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

 
Mô hình Mây tre đan tại Hậu Giang

Tại tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2021, Tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 14,9% năm 2016 xuống còn 3,46% năm 2020. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 9.736 hộ nghèo, chiếm 4,84% số hộ trên địa bàn và 7.426 hộ cận nghèo, chiếm 3,69%. Năm 2023, Tỉnh được bố trí hơn 21 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 19 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 2,7 tỷ đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, trợ giúp, triển khai các phong trào chăm lo cho người nghèo, toàn Tỉnh đã xây dựng nhiều dự án hỗ trợ cho 587 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 7/2023, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã cung cấp tín dụng ưu đãi cho 17.100 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 202.378 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và người sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn. Các địa phương tổ chức đào tạo nghề cho 2.780 lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.594 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 28.676 lượt hộ nghèo. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ cho 6.330 hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19; tặng quà Tết cho 29.758 lượt hộ nghèo trên địa bàn.

Năm 2023, Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Tỉnh bình quân từ 1%/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 2%/năm; Tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo./.
Gia Linh