Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 925) được các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện. Kết quả từ Chương trình góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân nơi đây.
Triển khai hiệu quả Chương trình 925 tại Đồng bằng sông Cửu Long
Bảo vệ môi trường, cấp nước sạch, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Vì vậy, Chương trình 925 được triển khai với mục tiêu chung là thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2022 đến hết năm 2025 với các nhiệm vụ cụ thể: Cấp nước sạch nông thôn; xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, chất thải và phụ phẩm nông nghiệp, bao gói thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ môi trường làng nghề, cảnh quan môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản, công tác vệ sinh môi trường. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Chương trình 925 đã xác định các nhóm giải pháp gồm: Truyền thông và nâng cao năng lực; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ; huy động nguồn lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Triển khai hiệu quả Chương trình 925 tại Đồng bằng sông Cửu Long
Bảo vệ môi trường, cấp nước sạch, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Vì vậy, Chương trình 925 được triển khai với mục tiêu chung là thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2022 đến hết năm 2025 với các nhiệm vụ cụ thể: Cấp nước sạch nông thôn; xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, chất thải và phụ phẩm nông nghiệp, bao gói thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ môi trường làng nghề, cảnh quan môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản, công tác vệ sinh môi trường. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Chương trình 925 đã xác định các nhóm giải pháp gồm: Truyền thông và nâng cao năng lực; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ; huy động nguồn lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Kết quả đạt được về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn
góp phần xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sau khi Chương trình 925 được Chính phủ công bố, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung triển khai thông qua việc ban hành các kế hoạch thực hiện chương trình, lồng ghép với các chương trình, chỉ tiêu xây dựng NTM của địa phương và đạt được một số thành tựu nhất định. Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giai đoạn 2021-2023, 11/13 tỉnh, thành phố của Vùng đã bố trí kinh phí từ Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 xây dựng 114 công trình cấp nước sạch với kinh phí 1.449 tỷ đồng. Hiện, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, tỷ lệ người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam là 79%. Trong đó, khoảng 9 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình. Tổng công suất cấp của các công trình cấp nước tập trung khoảng 950 nghìn m3/ngày, đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho 67% dân số nông thôn. Số xã đạt được chỉ tiêu về nước sạch trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới trong Vùng cũng đạt khá cao, trong đó có các địa phương điển hình như: Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu đạt 100%. Bên cạnh đó, toàn Vùng có 1.090 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, bằng 87%, đứng thứ ba trong cả nước. Trong đó, một số địa phương đạt kết quả cao như: Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu đạt 100%.
Kết quả bước đầu triển khai Chương trình 925 tại một số địa phương trong vùng
Ngày 21/2/2023, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch số 849/KH-UBND về thực hiện Chương trình tăng cường BVMT, ATTP và CNSNT trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Tỉnh phân bổ trên 3,46 tỷ đồng thực hiện Chương trình 925. Tỉnh đã thi công và đưa vào sử dụng các công trình nước sạch như: Mở rộng tuyến ống cấp nước từ nhà máy nước Hòa Lợi, xã Hòa Lợi (Thạnh Phú); xây dựng mạng tuyến ống phân phối cấp nước khu vực cù lao Long Thành thuộc xã Sơn Phú và xã Hưng Phong (Giồng Trôm); mở rộng mạng lưới cấp nước nhà máy nước huyện Thạnh Phú (xã Thạnh Phong). Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 99,9%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt khoảng 78,9%. Cùng với đó, toàn tỉnh Bến Tre có 31,5% hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 77,5% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý. Tỉnh đang rà soát, xây dựng phương án xử lý nước thải sinh hoạt, lồng ghép trong quy hoạch xây dựng NTM của xã và triển khai thực hiện các công trình thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt theo phương án đã được xây dựng. Về xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, tỉnh triển khai mô hình “Cùng nông dân BVMT”. Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện môi trường đạt kết quả cao từ 85-98%. 10% nước thải sản xuất của 56 làng nghề truyền thống tại Bến Tre đã được thu gom và xử lý theo quy định. Về ATTP nông lâm thủy sản, tổng số cơ sở thuộc diện ký cam kết trên địa bàn Bến Tre là 100.762/114.940 cơ sở, đạt 87,7%; tổng số cơ sở thuộc diện cấp giấy ATTP 1.947/2.211 cơ sở, đạt 88,1%.
Trong năm 2023, công tác khắc phục, xử lý và cải thiện chất lượng môi trường tiếp tục được Cà Mau quan tâm thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 14/82 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm 17,1%. Bên cạnh đó, công tác cấp nước sạch nông thôn của Tỉnh cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết nửa đầu năm 2023, toàn tỉnh Cà Mau có trên 94,52% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có trên 40,8 nghìn hộ sử dụng nước từ công trình tập trung, chiếm 17,47%; có 180,2 nghìn hộ sử dụng nước từ giếng khoan riêng lẻ, chiếm 77,05%. Qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng nông thôn Cà Mau.
Trong khi đó, Trà Vinh đã triển khai thực hiện 03 mô hình giảm thiểu, thu gom chất thải nhựa trên địa bàn huyện Cầu Ngang và huyện Duyên Hải thuộc dự án Điều tra hiện trạng phát sinh rác thải nhựa trên địa bàn và đề xuất biện pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế phù hợp với điều kiện kinh tế của Tỉnh. Rà soát, đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 77,2%. Song song với đó, Tỉnh tổ chức thực hiện 09 chương trình, dự án/nhiệm vụ để thực hiện tiêu chí nông thôn mới bảo vệ môi trường bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoảng 11,1 tỷ đồng. Tỉnh tiến hành trồng trên 15 nghìn cây xanh với chiều dài trên 95 km, thường xuyên chăm sóc, vệ sinh, tạo cảnh quang môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đến nay, toàn tỉnh có 63/85 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025.
Xác định chỉ tiêu nước sạch là một trong những chỉ tiêu đóng góp cho sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ tháng 5/2022 UBND tỉnh Sóc Trăng đã sớm ban hành quy định đối với chỉ tiêu “Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao” với mức quy định thực hiện trên địa bàn tỉnh cao hơn 5% so với yêu cầu của trung ương. Bên cạnh đó, Tỉnh đã ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước và nước sinh hoạt cho hộ nghèo vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí là 5.355 triệu đồng từ nguồn chi phí sản xuất của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Kết quả thực hiện đến tháng 6/2023, Sóc Trăng đã thực hiện lắp đặt miễn phí đồng hồ nước cho 367 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, tổng sản lượng nước đã miễn thu cho hộ nghèo đạt 299,1 nghìn m3.
Tại khu vực nông thôn của tỉnh Đồng Tháp đến nay đã có hơn 370 trạm cấp nước. Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn trên địa bàn Tỉnh được sử dụng nước sạch đến tháng 8/2023 ước đạt 94%. Toàn Tỉnh có hơn 60 trạm cấp nước mặt có công suất hoạt động lớn từ 1.000 m3/ngày, đêm trở lên, vị trí đặt trạm tại các kênh, sông có nguồn nước dồi dào, chất lượng nước đầu vào tốt, công nghệ xử lý đa số đều đạt chất lượng theo quy chuẩn. Tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến năm 2025 đạt 98%.
Trên địa bàn nông thôn của tỉnh Bạc Liêu hiện có 115 hệ thống cấp nước tập trung đang hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ số dân nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 99,9% và tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt gần 73,3%. Với kết quả đó, đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 100% xã đạt tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới. Bạc Liêu đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu có 75% dân số vùng nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Báo cáo sơ kết nửa đầu giai đoạn thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang cho thấy, đến năm 2023, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn Tỉnh đã đạt 100%; trong đó có 96,5% sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung, gần đạt mục tiêu đề ra của cả giai đoạn (Nghị quyết đến năm 2025 đạt trên 97%). Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý, năm 2023 đạt 98% (Nghị quyết đến năm 2025 đạt 98,5%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2023 đạt 90%, bằng mục tiêu đề ra đến năm 2025 (Nghị quyết đến năm 2025 đạt trên 90%).
Đây là kết quả ban đầu đáng ghi nhận của một số địa phương trong triển khai thực hiện chương trình bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi thành tựu đạt được của 13 tỉnh, thành phố trong vùng đã đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện Chương trình 925 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Vùng nói riêng và cả nước nói chung./.
Văn Nghĩa