Bình đẳng giới là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như toàn cầu và được lồng ghép xuyên suốt các mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn còn những tồn tại bất bình đẳng giới trong xã hội ở nhiều khía cạnh. Do đó Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng các chính sách, chương trình hướng đến đảm bảo lợi ích tối đa cho cả phụ nữ và nam giới; thúc đẩy, vận động, xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo bình đẳng giới thực chất trong tất cả các lĩnh vực.
Bất bình đẳng giới đặt ra bài toán trong vấn đề dân số và chính sách an sinh xã hội
Theo số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người; trong đó, dân số nam là 47,9 triệu người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48,3 triệu người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li- pin) và thứ 15 trên thế giới. Năm 2021, dân số Việt Nam tăng lên 98,5 triệu người sau 2 năm; trong đó dân số nam là 49,1 triệu người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 49,4 triệu người (chiếm 50,2%). Do nam giới thường có tuổi thọ thấp hơn nữ giới và Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chiến tranh trong quá khứ nên dân số nam ít hơn dân số nữ, tỷ số giới tính của Việt Nam năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ.
Trong những năm qua, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là câu chuyện được nhắc nhiều đến tại Việt Nam bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, sở thích con trai, cùng các hành vi can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh thông thường ở mức 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 112 trẻ sơ sinh nam trên 100 trẻ sơ sinh nữ. Theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 thì với tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2021 được coi như đã đạt được ở cấp quốc gia, tuy nhiên phân tích theo vùng kinh tế thì thách thức vẫn tồn tại.
Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là câu chuyện được nhắc nhiều đến tại Việt Nam
Năm 2021, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh vẫn giữ mức 73,6 tuổi, nam giới là 71,1 tuổi, trong khi nữ giới là 76,4 tuổi. Thực tế ở Việt Nam và ở đa số các nước, mức tử vong của nam thường cao hơn mức tử vong của nữ ở tất cả các độ tuổi khiến tuổi thọ trung bình của nam thường thấp hơn tuổi thọ trung bình của nữ. Tuổi thọ nữ giới tăng cao dẫn đến tăng số lượng người cao tuổi, theo đó chương trình bảo trợ xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe công và tư cần phải được tăng cường để cung cấp các dịch vụ và các lựa chọn thay thế cho công việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà, đặc biệt là với phụ nữ cao tuổi tại khu vực nông thôn và các vùng nghèo.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, năm 2021, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng lên 26,2 tuổi; trong đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,2 tuổi (tương ứng là 28,3 tuổi và 24,1 tuổi), cả nam và nữ ở khu vực thành thị có xu hướng kết hôn muộn hơn so với khu vực nông thôn. Trong nhiều năm qua, ở Việt Nam, chủ hộ phần lớn là nam giới, song năm 2021 có tới 27,9% hộ gia đình có chủ hộ là nữ. Điều đáng chú ý là có đến 62,7% phụ nữ là chủ hộ trong hộ gồm 1 người lớn, trong khi con số này ở nam giới là 37,3%, điều này cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng sống tại các hộ gia đình đơn thân, chỉ có 1 người trưởng thành. Đây cũng là thông tin đáng để các nhà hoạch định các chính sách an sinh xã hội lưu tâm.
Tồn tại bất bình đẳng giới trong lao động việc làm và tiếp cận các nguồn lực
Với quy mô dân số liên tục tăng trong các năm qua cùng với lợi thế cơ cấu dân số vàng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh khi có nguồn nhân lực dồi dào sẵn sàng "cung ứng" cho thị trường lao động. Năm 2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam ở mức 67,7%, trong đó tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động là 61,5%, thấp hơn tỷ lệ của nam giới là 74,2%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao ở phụ nữ Việt Nam không có nghĩa là mức độ bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm thấp, ngược lại điều này cho thấy, phụ nữ Việt Nam đang phải chịu gánh nặng kép vừa phải chăm lo gia đình, vừa phải đi làm kiếm thu nhập và phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng có tính chất kéo dài ngay trong gia đình và xã hội.
Cũng trong năm 2021, số lao động có việc làm trong nền kinh tế đạt 49 triệu người; trong đó, lao động nam đạt 26,2 triệu người và lao động nữ là 22,8 triệu người. Số liệu về vị thế việc làm cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ. Xét cơ cấu lao động trong nền kinh tế theo vị thế làm việc thì phụ nữ có việc làm là lao động làm công ăn lương đã tăng từ 43% trong năm 2019 lên 48,4% năm 2021, cho thấy tính khả thi của mục tiêu đề ra tại chỉ tiêu 1, mục tiêu 2 của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra là “Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030”. Với xu hướng giảm tỷ lệ nữ làm trong khu vực nông nghiệp từ 35,9% trong năm 2019 xuống còn 28,6% trong năm 2021, thì Chỉ tiêu 2, mục tiêu 2 “Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030” của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng có thể được thực hiện.
Bất đình đẳng giới trong đào tạo lao động cũng là vấn đề được nói đến. Mặc dù Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao, nhưng chỉ khoảng 1/4 số lao động có việc làm đã qua đào tạo (đạt tỷ lệ 26,1% năm 2021), song tỷ lệ này đặc biệt thấp với lao động nữ thuộc khu vực nông thôn (chỉ đạt 14,9% năm 2021). Do đó Việt Nam cần có những định hướng, ưu tiên các nguồn lực dành để đào tạo, dạy nghề cho khu vực nông thôn, đặc biệt là nữ tại khu vực này, để thực hiện được chỉ tiêu 2, mục tiêu 2 của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đề ra “Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030”.
Việt Nam cũng đã cam kết theo đuổi nguyên tắc trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau khi phê chuẩn Công ước số 100 về trả lương bình đẳng. Tuy nhiên trên thực tế, thu nhập bình quân của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới. Năm 2021, mức thu nhập bình quân tháng của một lao động có việc làm là 5,8 triệu đồng; trong đó, lao động nam là 6,7 triệu và lao động nữ là 4,8 triệu đồng. Thu nhập bình quân tháng của lao động nữ tại khu vực nông thôn đặc biệt thấp, chỉ 3,9 triệu đồng. Tính trung bình toàn quốc năm 2021, thu nhập về lương của lao động nữ bình quân thấp hơn lao động nam gần 29%, khoảng cách này đặc biệt cao ở nhóm lao động lớn tuổi hoặc khu vực nông nghiệp.
So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có tuổi thọ khá cao. Ngoài ra, tỷ lệ lao động tự làm và lao động gia đình tương đối lớn nên tỷ lệ dân số trong độ tuổi nghỉ hưu tham gia lực lượng lao động tương đối cao, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi nghỉ hưu tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 35,5% chung cả nước; trong đó, nam giới là 38,5% và nữ giới là 33,9%. Tỷ lệ này ở nông thôn cao gấp 1,6 lần ở thành thị.
Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ cũng là một mục tiêu được đề ra trong Chiến lược bình đẳng giới quốc gia. Nhưng số liệu điều tra cho thấy, phụ nữ thường làm việc nhà hơn nhiều so với nam giới và dành gấp đôi số giờ cho các công việc này. Cụ thể, năm 2021, trung bình phụ nữ Việt Nam vẫn phải dành khá nhiều thời gian (17,4 giờ một tuần) cho các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình và nam giới chỉ dành trung bình 8,9 giờ.
Vị thế của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý được nâng cao
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế là nhân tố quan trọng giúp nâng tầm vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung, đồng thời là tiền đề để giảm thiểu, chấm dứt các hình thức phân biệt đối với nữ giới và thực thi các quyền con người khác. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Ở Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) đạt tới 30,26%, lần đầu tiên vượt quá 30% trong 45 năm gần đây (kể từ Quốc hội khóa VI, nhiệm kỳ 1976-1981). Theo thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới, tại thời điểm trước bầu cử, Việt Nam đứng thứ 71 trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội. Sau bầu cử, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 51. Đây là một kết quả vượt bậc trong đợt bầu cử vừa qua. Kết quả này cũng đưa Việt Nam từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 4 trong châu Á.
Ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Tỷ lệ này ở cấp tỉnh là 29%, tương ứng ở cấp huyện là 29,08%, cấp xã là 28,98%. Tuy nhiên, ở các cấp ủy Đảng, sự tham gia của nữ có phần hạn chế hơn. Nhiệm kỳ 2020-2025, ở Ban Chấp hành Trung ương, tỷ lệ này là 9,5%, cấp ủy trực thuộc Trung ương là 15,73%, cấp ủy trên cơ sở là 17,04% và cấp cơ sở là 20,08%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có vị trí lãnh đạo chủ chốt (bao gồm bộ trưởng/thứ trưởng) là nữ tháng 12/2021 đạt 44,8%, trong đó tỷ lệ này ở các Bộ là 44,4%, các cơ quan ngang Bộ là 75% và các cơ quan thuộc Chính phủ là 28,5%. Ở địa phương, nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt (bao gồm chủ tịch/phó chủ tịch) là nữ cũng không vượt quá 1/3 tổng số Ủy ban nhân dân. Cụ thể, ở cấp tỉnh tỷ lệ này là 32,1%, cấp huyện là 32,6% và cấp xã là 22,0%.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp (bao gồm hợp tác xã) tăng liên tục từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, so với nam giới, số nữ giữ vị trí giám đốc/chủ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, chung cả nước có 28,2% giám đốc/chủ doanh nghiệp là nữ năm 2020. Xét theo quy mô doanh nghiệp, nữ chủ yếu làm giám đốc/chủ ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ (28,0%) và siêu nhỏ (28,9%). Tỷ lệ này thấp hơn ở các doanh nghiệp vừa với 23,3% và thấp nhất ở các doanh nghiệp lớn với 18,7%. Xét theo loại hình doanh nghiệp, nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước với 29,2% và thấp nhất ở khu vực doanh nghiệp nhà nước là 6,6%.
Mặc dù công tác bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong những thập niên qua, tuy nhiên, sự chênh lệch giữa nam và nữ trong việc nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý còn khá lớn. Để đạt được mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, có những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo.
Những khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Trong nhiều năm qua vẫn tồn tại định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp, trong đó có nghề giáo, việc coi nghề giáo là nghề dành cho nữ giới, dẫn đến xu hướng thiếu vắng giáo viên nam ở các cấp, đặc biệt là các cấp học phổ thông, dẫn đến thiếu hụt những khuôn mẫu giới tích cực về nam tính cho học sinh noi theo ngay từ các cấp học mầm non, tiểu học, trung học. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tại các cấp học phổ thông, giáo viên nam hiện nay ít hơn nhiều so với giáo viên nữ. Trong năm học 2020-2021, ở các cấp học phổ thông, tỷ lệ giáo viên nam ít hơn tỷ lệ giáo viên nữ, đặc biệt là ở cấp tiểu học, giáo viên nữ chiếm tới 78,7% tổng số giáo viên, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tỷ lệ giáo viên nam cũng chỉ chiếm khoảng 1/3, chỉ riêng ở cấp đại học tỷ lệ giáo viên gần như cân bằng giữa nam và nữ.
Trình độ văn hóa giữa nam giới và nữ giới cũng đang có một khoảng cách nhất định. Theo số liệu tính toán từ Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ nữ giới có bằng thạc sỹ thấp hơn nam giới (44,2% so với 55,8%), tuy nhiên ở trình độ tiến sỹ, tỷ lệ nam giới có bằng tiến sỹ cao gấp 2,5 lần so với nữ giới./.
Bích Ngọc