Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), có tổng mức vốn dự kiến là gần 105 nghìn tỷ đồng

|

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), có tổng mức vốn dự kiến là gần 105 nghìn tỷ đồng

Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025) là địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Chương trình hướng đến 4 nhóm đối tượng, gồm: (1) Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (2) Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; (3) Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; (4) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX), các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
 

Theo kế quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, trên phạm vi cả nước có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi, chiếm 49,0% tổng số xã của toàn quốc 5. Các xã vùng DTTS và miền núi phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (87,3%), thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng số thôn thuộc các xã vùng DTTS (Thôn) là 56453 thôn.
Tại thời điểm 01/4/2019, cả nước có 14,12 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,68% dân số cả nước; gần 3.681 hộ dân tộc thiểu số.
Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản có trụ sở, chi nhánh đóng trên địa bàn xã vùng DTTS và miền núi còn khá khiêm tốn với 44.439 đơn vị, tương đương với 0,8% số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến đang hoạt động trên phạm vi cả nước.
Tính đến ngày 01/10/2019, có 44.439 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản có trụ sở, chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất đang hoạt động và đóng tại địa bàn xã vùng DTTS và miền núi (viết gọn là xã vùng DTTS). Khoảng 64,5% số doanh nghiệp và cơ sở này là cơ sở chế biến nông sản.

Thời gian thực hiện chương trình là từ năm 2021 đến hết năm 2025. Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 137.664,959 tỷ đồng, trong đó:
 
- Vốn ngân sách trung ương: 104.954,011 tỷ đồng; bao gồm: Vốn đầu tư: 50.000 tỷ đồng (đã được bố trí theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025); Vốn sự nghiệp: 54.324,848 tỷ đồng; Vốn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí trong quá trình thực hiện Chương trình): 629,163 tỷ đồng
 
- Vốn ngân sách địa phương: 10.016,721 tỷ đồng.
 
- Vốn vay tín dụng chính sách: 19.727,020 tỷ đồng.
 
- Vốn huy động hợp pháp khác: 2.967,207 tỷ đồng.
 
Tổng số vốn trên sẽ được phân bổ để thực hiện 10 dự án cụ thể của Chương trình trong giai đoạn 2021-2025./.
 
 B.N