“Lấy dân làm gốc” là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước, được Đảng và Nhà nước tin tưởng, vận dụng thông qua đường lối, chính sách đề ra. Sau 78 năm kiến thiết và xây dựng đất nước kể từ khi giành độc lập, năm 2023, dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Nguồn lực con người Việt Nam đã cho thấy sức mạnh “đẩy thuyền”, chứng minh vai trò quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội nước ta thời kỳ hội nhập.
Nguồn lực con người Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng
Đối với Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, nguồn tài nguyên, của cải đích thực và quý giá nhất chính là con người. Ngược dòng lịch sử nhìn lại quá khứ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo lên đến đỉnh cao và giành được thắng lợi vào tháng Tám năm 1945, khi ấy, dân số Việt Nam chỉ có trên 20 triệu người. Một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, đi lên từ bối cảnh hoang tàn sau ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, chịu sự phá hoại của nạn đói và chính sách “ngu dân” với trên 90% dân số mù chữ, Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ đã phải phát đi lời kêu gọi cứu đói và chiến dịch chống nạn mù chữ. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 40 trên thế giới, là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo và một số nông sản hàng đầu, tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu; người dân Việt Nam phát triển cả thể lực và trí lực với chỉ số phát triển con người ngày càng cải thiện. Để đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn như hiện nay, sự phát triển về quy mô, cơ cấu dân số Việt Nam đóng vai trò quan trọng, thậm chí còn được coi là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế - xã hội của quốc gia. Nói cách khác, yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chính là nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực lại luôn gắn liền với sự biến đổi dân số cả về số lượng và chất lượng.
Trải qua 30 năm kể từ khi Việt Nam giành được độc lập dân tộc năm 1945 đến khi đất nước được thống nhất năm 1975, dân số Việt Nam từ 20 triệu người đã tăng hơn 2 lần lên 47,6 triệu người. Nửa cuối giai đoạn, vào năm 1961, Việt Nam có tỷ lệ tăng dân số rất cao, khoảng 3,9%; số con trung bình của mỗi phụ nữ Việt Nam là 6,3 con. Sau khi đất nước thống nhất, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch được đẩy mạnh nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ và nâng cao chất lượng dân số. Từ năm 1976, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Nhờ đó, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,25 con năm 1975 xuống 3,8 con năm 1989, chất lượng cuộc sống và con người ngày càng được nâng cao.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, dưới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã thực hiện 5 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở (Tổng điều tra) qua các năm 1979, 1989, 1999, 2009 và 2019. Kết quả các kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm thu thập thông tin cơ bản và chi tiết về dân số và nhà ở cả nước, làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn; từ đó tạo căn cứ để xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo.
Nguồn lực con người Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng
Đối với Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, nguồn tài nguyên, của cải đích thực và quý giá nhất chính là con người. Ngược dòng lịch sử nhìn lại quá khứ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo lên đến đỉnh cao và giành được thắng lợi vào tháng Tám năm 1945, khi ấy, dân số Việt Nam chỉ có trên 20 triệu người. Một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, đi lên từ bối cảnh hoang tàn sau ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, chịu sự phá hoại của nạn đói và chính sách “ngu dân” với trên 90% dân số mù chữ, Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ đã phải phát đi lời kêu gọi cứu đói và chiến dịch chống nạn mù chữ. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 40 trên thế giới, là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo và một số nông sản hàng đầu, tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu; người dân Việt Nam phát triển cả thể lực và trí lực với chỉ số phát triển con người ngày càng cải thiện. Để đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn như hiện nay, sự phát triển về quy mô, cơ cấu dân số Việt Nam đóng vai trò quan trọng, thậm chí còn được coi là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế - xã hội của quốc gia. Nói cách khác, yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chính là nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực lại luôn gắn liền với sự biến đổi dân số cả về số lượng và chất lượng.
Trải qua 30 năm kể từ khi Việt Nam giành được độc lập dân tộc năm 1945 đến khi đất nước được thống nhất năm 1975, dân số Việt Nam từ 20 triệu người đã tăng hơn 2 lần lên 47,6 triệu người. Nửa cuối giai đoạn, vào năm 1961, Việt Nam có tỷ lệ tăng dân số rất cao, khoảng 3,9%; số con trung bình của mỗi phụ nữ Việt Nam là 6,3 con. Sau khi đất nước thống nhất, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch được đẩy mạnh nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ và nâng cao chất lượng dân số. Từ năm 1976, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Nhờ đó, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,25 con năm 1975 xuống 3,8 con năm 1989, chất lượng cuộc sống và con người ngày càng được nâng cao.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, dưới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã thực hiện 5 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở (Tổng điều tra) qua các năm 1979, 1989, 1999, 2009 và 2019. Kết quả các kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm thu thập thông tin cơ bản và chi tiết về dân số và nhà ở cả nước, làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn; từ đó tạo căn cứ để xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Kết quả các cuộc Tổng điều tra cho thấy, giai đoạn 1979-2019, dân số Việt Nam liên tục tăng qua từng thời điểm. Mặc dù tỷ lệ tăng dân số giảm mạnh từ 2,5% năm 1977 xuống 1,2% năm 2009, đến năm 2019 tỷ lệ tăng dân là 1,14%, năm 2021 là 1,11% và năm 2022 là 0,97% nhưng bình quân mỗi năm trong cả giai đoạn, Việt Nam vẫn tăng thêm khoảng 1 triệu người. Cứ sau 10 năm, dân số tăng thêm khoảng 10 triệu người, từ 54,74 triệu người năm 1979 lên 64,37 triệu người năm 1989, lần lượt đạt 76,32 triệu người, 85,84 triệu người, 96,20 triệu người và 99,46 triệu người qua các mốc năm 1999, 2009, 2019 và 2022. Đến năm 2023, dự kiến quy mô dân số cán mốc trên 100 triệu người, ghi dấu lịch sử đưa Việt Nam trở thành đất nước trăm triệu dân, chính thức là nước đông dân thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.
Theo tính toán dựa vào kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 1999, các chuyên gia dự báo đến năm 2010, dân số Việt Nam đã đạt đến con số 100 triệu người. Tuy nhiên, nhờ các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, Việt Nam đã khống chế chậm lại được 13 năm. Sự khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bền vững trong tương lai của đất nước, góp phần tăng GDP bình quân đầu người, tác động quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và thành tựu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Theo dự báo của Liên hợp quốc, nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình Dân số - kế hoạch hóa gia đình thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu người vào năm 2035 và GDP bình quân đầu người sẽ bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990. Trong nhiều năm, dân số nữ Việt Nam luôn cao hơn dân số nam. Tuy nhiên, sự chênh lệch giới đã giảm dần qua các năm, từ 4,8% năm 1979 xuống còn 0,4% năm 2019. Năm 2022, dân số nam là 49,61 triệu người, chiếm 49,9%; dân số nữ là 49,85 triệu người, chiếm 50,1%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
* Năm 1979 không có số liệu xác định tỷ lệ tăng dân số nên dùng số liệu tỷ lệ tăng dân số của năm 1977 là 2,5%.
Có thể thấy, trải qua năm tháng, nguồn lực con người của Việt Nam không ngừng tăng lên về số lượng, tuổi thọ người dân, tầm vóc, thể lực con người ngày càng cải thiện. Trình độ học vấn phản ánh chất lượng nguồn lực con người của quốc gia không ngừng tăng cao. Tính đến thời điểm 01/4/2021, hai phần ba số dân từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam có trình độ học vấn từ THCS trở lên (chiếm 67%). Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên có xu hướng tăng dần qua các năm, từ 17,2% năm 2014 lên 19,2% năm 2019 và đạt 24,6% năm 2021; trong đó có 14% dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Bên cạnh số, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2016, HDI của Việt Nam đạt 0,682, xếp thứ hạng 118 trên thế giới; năm 2019, HDI đạt 0,703, xếp hạng 117; đến năm 2021, HDI đạt 0,703 và đến năm 2022, chỉ số HDI của Việt Nam đã đạt 0,726 và thuộc nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao.
Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao. Từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%, cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có hai người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi), Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”.
Con người là nguồn lực quý báu để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững
Những số liệu thống kê trên cho thấy nguồn lực con người Việt Nam đang ngày càng được cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Đó là nguồn lực quý báu để đưa đất nước tăng trưởng nhanh và bền vững. Là quốc gia nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được đánh giá là nước đang phát triển năng động, giàu tiềm năng, có vị trí chiến lược quan trọng, lực lượng lao động dồi dào, thu nhập bình quân đầu người tăng và tham gia mạnh mẽ vào thị trường thế giới thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt, các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế quốc gia, thì việc Việt Nam đạt trăm triệu dân trong năm 2023 là cơ hội để đất nước nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Theo đó, thị trường trăm triệu dân đem lại những cơ hội mới cho doanh nghiệp nội địa; đồng thời cũng tạo ra sức hấp dẫn rất lớn, thu hút doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, tìm kiếm đối tác qua các kênh thương mại, đầu tư, văn hóa, ngoại giao…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chính thức trở thành nước có quy mô dân số lớn, có cơ cấu “dân số vàng”, lực lượng lao động dồi dào. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. Nhờ duy trì được mức sinh tiệm cận mức sinh thay thế, giúp tái cân bằng dân số và “trẻ hóa” lực lượng lao động, trong tổng số dân trong độ tuổi lao động hiện nay, có khoảng hơn một nửa ở độ tuổi dưới 34 tuổi. Đây là thế hệ thanh niên trẻ tuổi vừa là nguyên khí quốc gia, vừa là lực lượng xung kích tham gia vào quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần đưa đất nước tiến nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hướng tới xã hội số, nền kinh tế số, góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30-35 năm, thậm chí là 40-45 năm. Như vậy, với số dân đạt 100 triệu người như hiện nay, cùng với cơ cấu “dân số vàng” sẽ còn kéo dài trong khoảng 15-25 năm nữa, thêm vào nguồn lực con người là lực lượng lao động trẻ hùng hậu, có khả năng xoay chuyển nền kinh tế hứa hẹn sẽ đem lại những cú bật nhanh và mạnh cho tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.
Ảnh minh họa
Bên cạnh nguồn lực về lao động, trên 100 triệu dân thuộc 54 dân tộc trong lãnh thổ Việt Nam với bản sắc văn hóa đa dạng, đậm nét truyền thống còn đại diện cho nguồn lực văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Các dân tộc có lịch sử phát triển, bản sắc văn hóa riêng, thống nhất trong đa dạng, gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung, trải qua lịch sử lâu đời cùng nhau lao động, đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó 100 triệu người dân đại diện cho 54 nét văn hóa dân tộc trở thành sức mạnh văn hóa to lớn, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, đồng thời ghi dấu ấn Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trên bản đồ thế giới trong thời kỳ hội nhập. Cùng với sức mạnh phát triển kinh tế, lao động, văn hóa, quy mô dân số đạt đến 100 triệu người còn là thế mạnh, là tiềm năng vững chắc của Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị quốc gia.
Tầm quan trọng của nguồn lực con người đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời kỳ đổi mới được thể hiện qua quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, đường lối của Đảng đã đặc biệt nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Vấn đề con người được đề cập đầu tiên tại Đại hội lần thứ IV của Đảng và được nhắc đến trực tiếp, cụ thể trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thông qua tại Đại hội VII (năm 1991) và các kỳ Đại hội tiếp theo. Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhất quán coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Cụ thể, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội XI thông qua đã khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Qua đó cho thấy, nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là nguồn lực con người Việt Nam; nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc. Việt Nam cần phát huy lợi thế dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, thực hiện công bằng xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc Việt Nam có tranh thủ tận dụng thành công những thuận lợi, cơ hội và vượt qua thách thức, khó khăn mà quá trình đó đặt ra hay không phụ thuộc đáng kể vào con người. Nghị quyết số 21/NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII nhấn mạnh: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Nhìn lại đất nước sau 35 năm đổi mới, đánh giá các kết quả đạt được, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhận định: Phát triển văn hoá, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, Báo cáo cũng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Một trong ba đột phá chiến lược được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đó là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Với việc dân số Việt Nam đạt 100 triệu người năm 2023, cùng các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ phát huy mạnh mẽ nguồn lực hùng hậu, trăm triệu dân cùng đồng sức đồng lòng xây dựng và phát triển Việt Nam hùng cường, tạo vị thế vững chắc cho đất nước trên bản đồ thế giới./.
Tài liệu tham khảo
- Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III, xuất bản năm 2009, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
- Hồ Chí Minh toàn tập (2012), tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, VII, XI, XII, XIII của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/index.
- Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1979, 1989, 1999, 2009, 2019, Tổng cục Thống kê.
- “Kết quả chủ yếu Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/04/2021”, 2022, NXB Thống kê.
ThS. Đỗ Thu Hương
Phó Trưởng bộ môn Thống kê, Trường Đại học Lao động Xã hội