Lâm Đồng hướng đến nông thôn mới hiện đại, văn minh, giàu đẹp

|

Lâm Đồng hướng đến nông thôn mới hiện đại, văn minh, giàu đẹp

Lâm Đồng là địa phương có trên 60% dân số sống tại nông thôn và tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 45% tổng GRDP. Xuất phát điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trừ thành phố Đà Lạt, các địa phương còn lại của tỉnh đều có nhiều hạn chế về nguồn lực trên các lĩnh vực. Với quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng thuận và ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân trong thực hiện chương trình NTM, đến nay diện mạo nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao.

 

Với phương châm đích đến trong xây dựng NTM của tỉnh Lâm Đồng là liên tục cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân, do đó, xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc đã được các cấp ủy, cấp chính quyền địa phương nhận thức sâu sắc trong công tác chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM của địa phương.

Kết quả triển khai chương trình xây dựng NTM tại Lâm Đồng, tính đến cuối năm 2023, đã có 109/111 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 98,2%); 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 36,9%); 16 xã đạt NTM kiểu mẫu (chiếm 14,4%). Toàn tỉnh có 5 huyện đạt chuẩn NTM gồm: Đơn Dương, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Cát Tiên, Lâm Hà; 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trong năm 2023, các công trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng đã được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng, nhất là đối với các dự án phát triển hệ thống đường giao thông đã khắc phục cơ bản tình trạng xuống cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, tăng cường hiệu quả kết nối giữa Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Các mô hình phát triển kinh tế mới tích hợp đa giá trị đã được hình thành và nhân rộng tại các địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

Giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha đạt 245 triệu đồng/năm (tăng 3,3% so với năm 2022). Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu; đã hình thành, công nhận được 9 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 16 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và có 66.150 ha sản xuất đạt tiêu chí công nghệ cao, trong đó có 631 ha nông nghiệp thông minh. Ngày càng có nhiều hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng thành công các mô hình kinh tế trong nông nghiệp đạt năng suất, thu nhập cao. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 234 chuỗi liên kết giá trị với sự tham gia của 180 doanh nghiệp và 95 hợp tác xã. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn phát triển các ngành nghề như: Trồng dâu nuôi tằm, phát triển cây trồng có thế mạnh, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Có thể thấy, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Các cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; diện mạo cảnh quan nông thôn thay đổi, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Có được kết quả này là do có được sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia và đóng góp vào các hoạt động triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của địa phương. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của người dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng và chung tay xây dựng nếp sống văn hóa mới. Khẳng định thành quả nhân văn nhất của quá trình xây dựng NTM là an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân được cải thiện, tính gắn kết cộng đồng ở khu vực nông thôn ngày càng bền chặt, từ đó khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho Tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu mới và mức đạt cao hơn, khắt khe hơn so với giai đoạn 2016 - 2020. Nhận diện được khó khăn, để chủ động và tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày 21/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2191/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu chung trước năm 2025, được công nhận là Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu đến hết năm có 2 xã Đạ Long, Liêng S'rônh của huyện Đam Rông đạt chuẩn NTM để tiến tới cả tỉnh hoàn thành tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn NTM; 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để hoàn thành các mục tiêu, tỉnh Lâm Đồng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Hoàn thiện thể chế và các cơ sở pháp lý, tiêu chí thực hiện Kế hoạch: Kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương: Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung thành phần theo Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn: Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững: Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn: Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn: Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đầu tư, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, tiến tới xây dựng xã, huyện đạt nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu./.

Minh Thư