Diện mạo huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên ở Nam Định

|

Diện mạo huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên ở Nam Định

Những năm gần đây, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành vùng quê phát triển toàn diện, là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Hành trình không có điểm dừng

Giao Thủy là huyện miền biển, có diện tích tự nhiên 238,24 km2, với 18 xã, 2 thị trấn, là nơi sinh sống của hơn 190 nghìn người. Mảnh đất này được bồi đắp, hình thành từ phù sa màu mỡ, với hệ sinh thái đa dạng. Dưới bàn tay lao động cần cù, sáng tạo chinh phục thiên nhiên của biết bao thế hệ người dân, Giao Thủy đã từng bước xây dựng, phát triển toàn diện.

Ngày 16/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 405 công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn Quốc gia nông thôn mới (NTM) năm 2017. Là 1 trong những huyện thuộc top 2 của tỉnh, (sau huyện Hải Hậu) và đứng thứ 50 của cả nước được công nhận đạt chuẩn huyện NTM, về đích sớm hơn 2 năm so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25 đề ra.

 
Hạ tầng nông thôn huyện Giao Thủy ngày càng khang trang, hiện đại

Không thỏa mãn với những gì đã đạt được, bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Giao Thủy bắt tay triển khai, thực hiện xây dựng Nông thôn mới nâng cao, tiến tới Nông thôn mới kiểu mẫu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Để đạt mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa 26 đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 14/7/2021 về xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định mục tiêu: "Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân Giao Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, chuyên nghiệp; y tế, văn hóa, giáo dục phát triển toàn diện; môi trường cảnh quan không gian sáng-xanh-sạch-đẹp; có nếp sống văn minh, dân chủ, đoàn kết, tiến bộ, giàu bản sắc truyền thống; hệ thống chính trị vững mạnh; quốc phòng-an ninh vững chắc, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, để Giao Thủy thực sự là miền quê đáng sống".

Mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức như thiên tai, đại dịch Covid-19; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, biến đổi khí hậu, biến động giá cả thị trường, tình hình an ninh, xung đột chính trị khu vực và thế giới diễn biến phức tạp… đã tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân, song, với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Giao Thủy tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời xây dựng Kế hoạch, xác định rõ lộ trình thực hiện đối với từng giai đoạn, từng thời điểm.

Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cơ quan, đơn vị ứng với từng tiêu chí, lĩnh vực, quán triệt, triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; tổ chức đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM từ huyện đến các xã, thị trấn, thôn xóm/Tổ dân phố. Xây dựng, triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn, lồng ghép với các chương trình, mục tiêu quốc gia khác, xác định thời gian, lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư xây dựng các công trình, dự án vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, vừa góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tương ứng với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 theo quan điểm làm đến đâu, được đến đó.

Với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, huyện Giao Thủy đã đã về đích Nông thôn mới nâng cao năm 2023. Giao Thủy là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định và là một trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 2/8/2024. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện.

Bức tranh miền quê đáng sống

Nhiều năm qua, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, sôi nổi khắp làng quê, nhờ đó diện mạo nông thôn Giao Thủy được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên; hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng cho biết, đến nay, toàn huyện đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó xã Giao Phong là một trong 9 xã của cả nước được chọn thực hiện thí điểm Mô hình xã nông thôn mới thông minh do Trung ương chỉ đạo thực hiện thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025.

Điều dễ nhận thấy nhất khi đến với Giao Thủy hiện nay là các tuyến đường huyện, đường liên xã, trục xã, đường ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng được mở rộng, làm mới và cứng hóa, tăng 15% so với năm 2017; hệ thống điện chiếu sáng bằng cột đúc, đèn led trên các tuyến đường có ở 95% thôn, làng, khu dân cư, tăng hơn 80% so với năm 2017; 100% các xã, thị trấn có nhà văn hóa.

Từ huyện đến xã và ở từng xóm, tổ dân phố, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển với nhiều thành tích nổi trội. Các khu thể thao, khu vui chơi công cộng được bố trí lắp đặt các trang thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tập luyện thể thao, vui chơi, giải trí cho nhân dân.

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, đáng mừng nhất là đời sống nhân dân hiện đã được cải thiện, nâng cao hơn nhiều. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,77%; hộ cận nghèo còn 3,01%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,80%.

 
Các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cho người dân

Trên địa bàn huyện Giao Thủy đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân như: Tích tụ ruộng đất thành các cánh đồng lớn, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ; nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, ngao sạch...

11 vùng trồng lúa tập trung với tổng diện tích 395 ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cấp mã số vùng trồng; đứng đầu tỉnh về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP với 105 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có gắn mã điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt đạt 138,57 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với năm 2017.

Bên cạnh đó, huyện Giao Thủy còn có các khu, cụm công nghiệp, trong đó đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh 6 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha, lớn nhất là Khu công nghiệp Hải Long diện tích 1.100 ha. Giao Thủy hiện là nơi thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn, tạo tiền đề và động lực quan trọng để kinh tế của huyện bứt phá tăng trưởng.

Giao Thủy đang tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn; phấn đấu được công nhận huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025; góp phần đưa Giao Thủy phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành cực động lực phía đông nam của tỉnh Nam Định./.

 
Trúc Linh