Giải pháp nào để GTNT về đích?

|

10 năm phát triển GTNT đã đạt được những kỳ tích, tạo ra những bước đột phá chưa từng có, nhưng để về đích, chặng đường phía trước vẫn còn dài. Để đạt mục tiêu hết năm 2020 cả nước có 55% các xã đạt chuẩn về giao thông, năm 2025 là 75% và đến năm 2030 tỷ lệ này nâng lên 95%, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định: "Đó là nhiệm vụ rất nặng nề". Giải pháp nào để GTNT về đích, những bài học rút ra trong 10 năm phát triển GTNT là gì? Cùng các nhà quản lý, chuyên gia bàn luận về những vấn đề này trong tọa đàm của Nhân Dân hằng tháng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư hạ tầng GTNT

Từ thực trạng phát triển GTNT, để phát triển nông nghiệp, nông thôn và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước thì những vấn đề kiện toàn công tác quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng phát triển GTNT, xây dựng hệ thống quản lý từ Trung ương tới địa phương; thực hiện thường xuyên công tác bảo trì cần phải được đặc biệt chú trọng.

Về quy hoạch, các địa phương rà soát cập nhật quy hoạch phát triển GTVT của mình cần chú ý tới quy hoạch GTNT; xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTNT phải đi trước một bước trong xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn.

Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTNT cần được huy động và ưu tiên từ nhiều nguồn khác nhau: ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương, vốn ODA, ngoài ra sẽ tích cực huy động từ người dân, các doanh nghiệp khai thác quỹ đất; tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường mới và mở rộng đường cũ, nhân rộng mô hình Nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, nhân dân đóng góp công sức; sử dụng tư vấn giám sát cộng đồng. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cần được ưu tiên để hoàn thành các đường ô-tô tới các trung tâm xã hiện đang khó khăn, bị chia cắt; các khoản vay ODA lớn cần tập trung chú trọng vào các dự án hạ tầng có quy mô lớn, hiện đại và đồng bộ hỗ trợ phát triển kinh tế cho tỉnh hoặc cả một vùng.

Công tác quản lý bảo trì đường GTNT cần được chú ý đúng mức. Trước hết, phân cấp công tác quản lý duy tu, bảo trì đường cần được thiết lập và phải có đơn vị đầu mối trong quản lý bảo trì đường nông thôn. Nhanh chóng đưa vào danh mục cân đối, bố trí ngân sách cho công tác quản lý bảo trì từ nguồn ngân sách địa phương.

Ðể công tác quản lý GTNT ngày càng sát với thực tế, có sự theo dõi cập nhật một cách có hệ thống để có những thay đổi và điều chỉnh chính sách cho kịp thời, nhất thiết phải xây dựng một hệ thống thông tin về giao thông địa phương.

Phải áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong công tác xây dựng cũng như bảo trì GTNT. Tăng cường sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ thi công tiên tiến, mạnh dạn đưa các vật liệu thay thế các nguyên vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường, giá thành hợp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Ðối với các kết cấu kiên cố cần chú trọng áp dụng cơ giới hóa để bảo đảm chất lượng công trình.

Ðẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống quản lý, bảo trì đường GTNT cần đặc biệt chú trọng; chú trọng đào tạo cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý đầu tư, quản lý bảo trì GTNT nhằm phát huy cao nhất hiệu quả các dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác. Ðào tạo cán bộ kỹ thuật theo dõi, giám sát, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn cho các cán bộ xã, huyện phụ trách giao thông, quy hoạch bằng các hình thức đào tạo, kết hợp giữa đào tạo với thực hành nhằm nâng cao trình độ quản lý và trình độ kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang: Phải phát huy mạnh mẽ vai trò, sức sáng tạo của người đứng đầu địa phương

Chủ trương phát triển GTNT là một chủ trương đúng đắn, đúng thời điểm, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, phù hợp thực tế nên đã huy động được sức mạnh toàn dân. Đó là yếu tố quan trọng nhất để phát triển GTNT và phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Tuy nhiên, chủ trương đúng, nhưng khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Cần có sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, sát sao, kịp thời phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng sở, ngành có liên quan và của cấp ủy, chính quyền các cấp; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện hằng năm.

Để thúc đẩy phát triển GTNT nhanh, cần thực hiện phương châm: "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong đó chính quyền địa phương cấp xi-măng, hỗ trợ nguyên vật liệu, dân góp tiền, góp công, hiến đất làm đường. Cách làm này đã được thực hiện rất hiệu quả ở tỉnh Bắc Giang. Tỉnh đã thành lập tổ công tác và cử cán bộ xuống đến từng thôn, bản để hướng dẫn triển khai thực hiện; cấp xã, thôn căn cứ nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch và vận động nhân dân hưởng ứng phong trào cứng hóa đường GTNT, tiếp nhận xi-măng, chỉ đạo thực hiện xây dựng và công tác quyết toán kinh phí hỗ trợ.

Công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân nắm được chủ trương chính sách và lợi ích của việc phát triển GTNT phải được xem là một giải pháp quan trọng. Khi người dân đã thấy rõ lợi ích của việc làm đường thì họ sẽ hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Từ đó làm sao để biến thành phong trào thi đua phát triển GTNT rộng khắp - vai trò của công tác truyền thông rất quan trọng. Ở Bắc Giang trong thời gian qua đã tích cực truyền thông, vận động người dân tham gia làm đường, với phương châm: "có đường, có tất cả"; "Đường đi tới đâu, dân giàu tới đó", nên phong trào phát triển GTNT đã có những bước phát triển đột phá.

Thực tế phát triển GTNT ở Bắc Giang cho thấy tùy điều kiện thực tế của mỗi địa phương, muốn làm nhanh, cần quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ thêm cho các công trình để giảm bớt phần kinh phí đóng góp từ nhân dân, đồng thời làm sao để tạo động lực phát huy tối đa nguồn lực trong dân. Không nên áp đặt mà mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện. Khi đã làm, cần ưu tiên tối đa mọi nguồn lực để thực hiện cứng hóa đường giao thông một cách triệt để, không nửa vời, "đánh trống bỏ dùi", bởi đường có thông thì kinh tế xã hội mới phát triển.

Phát triển GTNT cần phải đặc biệt coi trọng vai trò của cán bộ chủ chốt ở cơ sở, phải phát huy mạnh mẽ vai trò, sự sáng tạo của cấp ủy, lãnh đạo thôn với ý nghĩa tiên phong, nhất là các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn; Thực tế cho thấy ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm, người đứng đầu, đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả cao. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn trong triển khai thực hiện chính sách phát triển GNTN, nếu có khó khăn vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Thái Bình Dương: Quy hoạch GTNT phải đi trước một bước

Công ty chúng tôi có nhiều năm tham gia làm các công trình GTNT ở một số tỉnh thành nên ít nhiều có những kinh nghiệm thực tế để từ đó có thể rút ra một số bài học và giải pháp để công tác phát triển GTNT thực hiện hiệu quả hơn.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), quy hoạch và thực hiện quy hoạch có vai trò quan trọng, nhằm bảo đảm cho việc sử dụng đất và xây dựng hạ tầng thiết yếu, các khu dân cư khu vực nông thôn vừa theo hướng văn minh, hiện đại, vừa giữ được bản sắc văn hóa làng, xã của địa phương. Tuy nhiên, công tác quy hoạch ở NTM nói chung và GTNT còn nhiều bất cập. Đáng lẽ công tác quy hoạch phải đi trước một bước , nhưng trong thực tế nhiều xã chưa phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết. Nhiều xã đã duyệt quy hoạch, trong đó có quy hoạch về GTNT, nhưng chất lượng đồ án quy hoạch nhìn chung còn thấp, thiếu đồng bộ, không phù hợp với quy hoạch chung của huyện, của vùng. Trong đó đáng lưu ý là quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý chất thải môi trường thiếu thống nhất "mạnh xã nào xã ấy làm".

Mặt khác, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch NTM, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có những điểm chồng chéo, mâu thuẫn chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến điều kiện nhân lực và kinh phí thực hiện, nhưng lại chậm bổ sung sửa đổi. Thí dụ về tiêu chí giao thông có tới ba "hướng dẫn": Quyết định 315/QÐ - BGTVT ngày 23-2-2011 quy định đường AH là 3,5 m lề đường. Ðường liên xã mặt đường rộng 3 m nhỏ hơn. Sổ tay hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đường trục xã, làng rộng tối thiểu 5-6 m. Ðường trục nông thôn lòng đường tối thiểu 4-5 m. Trong Sổ tay hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì đường trục xã và đường liên thôn bảo đảm mặt cắt đường 9-15 m.

Bên cạnh đó, năng lực của các chủ thể tham gia nhiệm vụ quy hoạch từ cấp xã, đến đơn vị trực tiếp lập quy hoạch là các công ty tư vấn và phê duyệt là cấp huyện còn hạn chế về tổ chức và trình độ. Tại thời điểm triển khai chương trình xây dựng NTM vào năm 2010, trong 181 nghìn cán bộ cấp xã có 0,1% không biết chữ, 48% chưa qua đào tạo, 80% không biết sử dụng máy tính. Trong khi các công ty tư vấn thiếu chuyên gia có năng lực, trình độ hiểu biết về quy hoạch nông thôn, nhất là lĩnh vực giao thông, sử dụng đất, kinh tế nông nghiệp, môi trường.

Phát triển GTNT nói riêng, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng hiện có nhiều vướng mắc, bất cập, làm chậm tiến độ thực hiện các tiêu chí GTNT. Do đó để thúc đẩy GTNT, cần có tổng kết đánh giá các mô hình quy hoạch NTM hiệu quả, từ công tác lập, quản lý và đặc biệt là "mẫu" mô hình tốt để các xã có đặc điểm tương tự học tập, rút kinh nghiệm.

Khi đã có quy hoạch phải thực hiện tốt và quản lý quy hoạch tốt. Cần có những "tổng tư lệnh" chỉ huy thực hiện NTM trong đó có GTNT, tránh tình trạng chồng chéo "dẫm đạp" lên nhau. Có thực tế, xã vừa dồn điền đổi thửa không cập nhật quy hoạch, ngay sau đó lại phải đào lên để làm đường, rất lãng phí. Lại có khi, làm đường nhưng thiếu quỹ đất vì chưa thực hiện dồn điền đổi thửa. Tình trạng này diễn ra vì mảng giao thông và đất đai không kết nối được với nhau, không có một "tổng tư lệnh" chỉ huy chung để thực hiện đồng bộ.

Bên cạnh đó, phát triển GTNT cũng phải nâng các tiêu chí kỹ thuật lên để theo kịp với sự phát triển của kinh tế- xã hội. Có những con đường ở nông thôn tuy đã cứng hóa nhưng lại rất nhỏ hẹp, hai xe máy tránh nhau còn khó, vừa làm xong đã trở nên lạc hậu, sau này mở rộng sẽ rất khó khăn. Theo tôi, với GTNT, phải mở rộng mặt đường từ 3 m lên 4,5 m, tăng độ dày bê-tông, bảo đảm cho các loại xe 10 tấn trở xuống lưu thông. Đồng thời, dựng các cổng giảm tải có khóa, ngăn các xe quá khổ, quá tải vào khu dân cư. Đường phải đồng bộ với hệ thống thoát nước, mương máng thủy lợi, điện lực, viễn thông, bảo đảm không có tình trạng đường vào xong lại đào lên làm mương, chôn cột điện. Không nên sốt ruột để hoàn thành NTM, không nên vì bệnh thành tích mà làm những con đường nhỏ hẹp, thiếu đồng bộ, mà phải tính tới sự bền vững, lâu dài của hệ thống GTNT, làm sao trở thành động lực để phát triển kinh tế- xã hội.