Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của TP. Hồ Chí Minh. Với tinh thần thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế, nhưng phải đảm bảo an toàn, không phát sinh dịch Covid-19 trên địa bàn, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm soát được dịch và đang từng bước xây dựng an toàn bình thường hóa các hoạt động để phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng lòng chống dịch
Ngay khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 và tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống, bám sát tình hình, điều chỉnh kịp thời các giải pháp qua từng giai đoạn diễn biến khác nhau của dịch bệnh. Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, vượt quá khả năng kiểm soát, Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 cấp thành phố và tại tất cả cơ quan, đơn vị, đồng thời ban hành nhiều quyết định quan trọng và chỉ đạo các lực lượng quyết tâm hơn nữa không để dịch lây lan vượt quá mốc 150 ca mắc bệnh do Thành phố đặt ra.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Xác địch mục tiêu hàng đầu chống dịch là đảm bảo sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người dân trên địa bàn, hệ thống phòng dịch của Thành phố đã thường xuyên cập nhật, theo dõi việc khai thác thông tin từ các ca nhiễm đang được cách ly tại địa phương khác để triển khai điều tra, xác minh và đưa ra hướng xử lý nếu có trường hợp liên quan đến Thành phố. Bên cạnh đó, phát hiện kịp thời những người đến TP. HCM có nguy cơ lây nhiễm và cách ly kịp thời tránh để dịch lây lan.
Chú trọng trong công tác phòng dịch, ngay từ rất sớm Thành phố đã chỉ đạo cung ứng 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải cho nhân dân; trang bị 10.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng; chuẩn bị 36 khu cách ly tập trung với quy mô 24.000 giường; thiết lập hệ thống 4 cơ sở điều trị chuyên sâu Covid-19 với tổng quy mô 2.300 giường...
Để giúp người dân phòng dịch bảo vệ bản thân và cộng đồng, ngay từ rất sớm Thành phố đã chỉ đạo, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng tập trung đông người như: Siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe… Thành phố cũng là địa phương tiên phong cho học sinh các cấp nghỉ học đề phòng lây nhiễm dịch và đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành phối hợp với cơ quan y tế tiến hành khử khuẩn khu vực trường học, trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác phòng, chống dịch trước và sau khi đi học lại.
Khi xuất hiện nguy cơ khả năng lây lan dịch bệnh từ các địa điểm vui chơi đông người, từ ngày 14/3, Thành phố đã yêu cầu ngừng hoạt động các loại hình kinh doanh dịch vụ như: Rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke… Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Chính quyền và nhân dân thành phố đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Thành phố cũng đã triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể hóa hành động phù hợp với tình hình của địa phương trong bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân song vẫn đảm bảo việc duy trì hoạt động phòng chống dịch của Thành phố tới từng người dân.
Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, công tác phòng ngừa dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả. Việc kiên trì thực hiện 6 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch và thực hiện tốt phương châm 5 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; đảm bảo cơ sở cách ly, chữa trị, trang thiết bị, thuốc điều trị tại chỗ; đảm bảo nhân lực tại chỗ; kinh phí tại chỗ; xác định nhiệm vụ, phương án phòng chống dịch tại chỗ. Dịch có lây tại đâu lập tức phát hiện, khoanh vùng và xử lý đã giúp Thành phố kiểm soát được dịch, số ca lây nhiễm có xu hướng giảm dần. Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 3/4 đến ngày 27/4/2020, trên địa bàn Thành phố ghi nhận có tổng số 54 ca mắc Covid-19, trong đó có 51 ca đã xuất viện và 3 ca đang tiếp tục điều trị. Trong 3 ca mắc Covid-19 đang tiếp tục điều trị của Thành phố có 2 ca nhập viện trở lại do tái dương tính, 1 ca là bệnh nhân thứ 91, phi công người Anh, tái dương tính nhiều lần vẫn đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh chưa có vaccine phòng ngừa cũng như chưa có thuốc chữa trị đặc trị, xác định dịch Covid-19 không hết hoàn toàn, nguy cơ lây nhiễm vẫn tồn tại, TP. Hồ Chí Minh bước vào trạng thái bình thường mới với các hoạt động, sinh hoạt xã hội từng bước trở lại bình thường song vẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.
An toàn bình thường hóa các hoạt động trong mùa dịch
Đạt hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19 nhưng TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang phải đối mặt vấn đề phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, quý I năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,42% so năm trước. Mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực chịu tác động nhiều nhất là thương mại dịch vụ giảm 1,23%. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây cũng rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng. Có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: Vận tải kho bãi giảm 0,37%; kinh doanh bất động sản giảm 12,85%; giáo dục và đào tạo giảm 26,57%; y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2020 ước tính đạt trên 316,9 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy có các điểm sáng như: Sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, xuất khẩu vẫn duy trì mức khá, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng khá cao như: Gạo tăng 29,1%; thủy sản tăng 20,4%; dệt may tăng 18,6%; túi xách, ví, vali tăng 16,7%; hạt tiêu 16,1%; hạt điều tăng 16,0%; sản phẩm chất dẻo tăng 15,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 15,6%.
Để nền kinh tế đủ sức mạnh vượt qua khó khăn do dịch bệnh và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thành phố đã xây dựng bộ chỉ số gồm 10 thành phần rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp và cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa ra bộ chỉ số đánh giá rủi ro đối với doanh nghiệp. Thông qua bộ chỉ số này, các quận, huyện đã triển khai các doanh nghiệp tự đánh giá. Bên cạnh đó, cấp ủy 24 quận, huyện cũng vào cuộc cùng UBND các quận, huyện giám sát việc thực hiện. Bộ chỉ số đã giúp các quận, huyện có cái nhìn tổng thể khi thẩm định lại chỉ số giúp doanh nghiệp chuyển sang trạng thái mới khi vẫn sản xuất trong trạng thái nguy cơ lây nhiễm ít.
Về sản xuất kinh doanh, Thành phố thống nhất từ nay đến giữa tháng 5/2020 sẽ ưu tiên vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thành phố cho doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, Thành phố đã thành lập Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-19, trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng, ban hành cẩm nang “Kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh” để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp; làm cầu nối giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi các gói hỗ trợ của Chính phủ; tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp để tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từ Trung ương và ngân sách thành phố cho doanh nghiệp.
Mặt khác, để chủ động ứng phó những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế thành phố, Thành phố sẽ tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP, nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất và dần đưa hoạt động của Thành phố về trạng thái an toàn bình thường hóa các hoạt động trong mùa dịch.
Cuộc sống người dân - ấm lòng từ những sẻ chia
Tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng, chung sức chống lại dịch bệnh Covid-19 của người dân TP. Hồ Chí Minh đang được dấy lên mạnh mẽ. Nhiều hành động đẹp, những tấm lòng nhân ái được nhân lên, lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái”. Đó chính là những hộp cơm miễn phí san sẻ niềm yêu thương, cây “ATM gạo” đong đầy ấm áp tình người được trao cho những người nghèo, người gặp khó khăn do ảnh hưởng của của dịch bệnh Covid - 19.
Nối dài các hoạt động sẻ chia, nhiều người dân cùng đến chung tay, người góp sức, người góp gạo, mì, sữa… Trên địa bàn Thành phố đã có hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang... Từ cây “ATM gạo” đã có gần 3.000 người nghèo nhận được gạo miễn phí và khoảng 4-5 tấn gạo được phát đi mỗi ngày.
Để không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngày 16/4 thành phố đã kịp thời có chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí 2.753 tỷ đồng, trong đó sẽ chi hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/ tháng cho 600.000 lao động bị mất việc. Ngoài ra, 78.500 người thất nghiệp do dịch Covid-19 được hỗ trợ khoảng 236 tỷ đồng. Trong đó, mức hỗ trợ cho công nhân, người lao động, giáo viên mầm non là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6). Đối với người bán vé số, tính đến ngày 14/4, đã có 11/24 quận, huyện tiếp tục bổ sung danh sách người bán vé số cần hỗ trợ, nâng tổng số danh sách hỗ trợ lên hơn 18.700 người, với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 14 tỷ đồng.
Từ ngày 20/3 đến ngày 27/4/2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tiếp nhận tổng cộng số tiền, hàng gần 170 tỷ đồng của hơn 6,6 nghìn đơn vị, cá nhân ủng hộ. Trong đó, ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 là 148,6 tỷ đồng và ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn gây ra là hơn 21,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố cũng đã hỗ trợ khoảng 6.300 người đang được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố với mức hỗ trợ khoảng 500.000 đồng/người/tháng để cải thiện chất lượng bữa ăn, giúp người già, trẻ em tăng sức đề kháng trong phòng, chống dịch bệnh.
Các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, Sở LĐTB-XH Thành phố sẽ theo hướng dẫn chung của Bộ LĐTB-XH để xác định các nhóm đối tượng được hỗ trợ.
Ngoài các đối tượng đã nhận những hỗ trợ trên, Sở cũng chỉ đạo các phòng lao động tại 24 quận, huyện tiếp tục thống kê, lên danh sách công nhân, người lao động bị mất việc, các đối tượng bảo trợ xã hội tại địa bàn cần được hỗ trợ để Thành phố tiếp tục hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn./.
Đạt Minh