Phát triển OCOP gắn với nông thôn mới
Hiện nay, toàn quốc đang triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế. Các sản phẩm tạo ra từ chương trình có sự khác biệt mang đặc thù gắn với nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của mỗi địa phương.
Hiện nay, toàn quốc đang triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế. Các sản phẩm tạo ra từ chương trình có sự khác biệt mang đặc thù gắn với nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của mỗi địa phương.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Là một tỉnh miền núi phía đông bắc Bắc bộ, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp (hiện chiếm trên 60%), Bắc Kạn có nhiều lợi thế khi thực hiện Đề án OCOP vì có nhiều nông sản đặc trưng, có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, một số sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn đã tạo dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: Gạo nếp nương, Miến dong, Khoai sọ, Lạp sườn, Hồng không hạt, cam quýt, Bí xanh thơm, rượu men lá, thịt hun khói… Bên cạnh đó, diện tích đất lâm nghiệp của Bắc Kạn chiếm trên 90% diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng 72,1%, là điều kiện tốt để tỉnh phát triển kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu.
Xác định thực hiện Chương trình OCOP là một giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Bắc Kạn đã từng bước thực hiện phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia. Theo đó, Bắc Kạn đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện chương trình OCOP, từ đầu năm 2018 đến nay, Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để giới thiệu, triển khai và khởi động Đề án OCOP; tổ chức các buổi tuyên truyền tại các địa phương cho cán bộ phòng, ban, các tổ chức kinh tế, hợp tác xã, nhóm sở thích, hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của Đề án; tổ chức điều tra thống kê các sản phẩm truyền thống trên địa bàn để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về thực hiện Đề án; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ được lựa chọn vào hệ thống tổ chức Đề án… Cùng với đó, các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức hướng dẫn cho cán bộ lãnh đạo địa phương, các tổ chức kinh tế về chương trình triển khai, cách thức đăng ký sản phẩm tham gia Đề án. Tổng kinh phí chương trình OCOP năm 2018 phân bổ được hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó tập trung thực hiện hỗ trợ ngành nghề và đào tạo tập huấn cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm. Nhờ vậy, năm 2018, toàn tỉnh có 76 sản phẩm và 56 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, trong đó, lựa chọn được 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 5 sản phẩm xếp hạng 4 sao cấp tỉnh.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, hiện Tỉnh có 124 sản phẩm của các địa phương có thể phát triển thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP chia thành 06 nhóm; trong đó, có 48 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 13 sản phẩm nhóm đồ uống; 07 sản phẩm nhóm thảo dược, 03 sản phẩm nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí, 53 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ phát triển mạnh tại địa phương mà còn vươn ra được thị trường ngoài tỉnh. Một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực như: Miến dong Bắc Kạn; Hồng không hạt (Ba Bể); cam (Chợ Đồn); quýt (Bạch Thông); dê, trâu, bò, ngựa (Pác Nặm) và các sản phẩm truyền thống như: Rượu chuối, rượu men lá, mơ ngâm, thịt hun khói…. đã có mặt ở một số hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Điều này khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với phát huy những thế mạnh của từng địa phương.
Ngoài các sản phẩm đặc trưng về văn hóa ẩm thực, còn có các sản phẩm thủ công truyền thống như: Nghề dệt thổ cẩm, đan lát...; Văn hóa đặc trưng cho mỗi dân tộc, mỗi vùng miền như: Nghệ thuật hát Then, lễ hội Lồng Tồng, chợ Phiên…; Nhiều danh lam thắng cảnh tập trung ở vùng nông thôn như: Hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, được công nhận là Vườn di sản ASEAN năm 2011; Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì, Bạch Thông); hệ thống hang động lớn (động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Thạch Long)...; Các yếu tố văn hóa, lịch sử khác như: An toàn khu (ATK) - Chợ Đồn, nơi Bác Hồ đã hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp; Di tích Nà Tu, Chiến Thắng đèo Giàng… Đây là những thế mạnh để Bắc Kạn phát triển kinh tế nông thôn kết hợp với du lịch sinh thái, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn truyền thống văn hóa của từng vùng miền.
Từng bước thực hiện đúng kế hoạch OCOP
Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu: Giai đoạn 2018 - 2020, phát triển sản xuất kinh doanh ít nhất từ 30 - 40 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh; Xác định, lựa chọn hoàn thiện/nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ít nhất từ 10 - 20 sản phẩm truyền thống có tiềm năng và khả năng phát triển theo hướng thương mại hóa có quy mô trung bình và lớn; Hình thành từ 20 - 30 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu 10 - 15 tổ chức đã có để phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống (là các công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã, tổ hợp tác...). Đến năm 2030, có 200 sản phẩm OCOP và phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP.
Bám sát mục tiêu của Đề án, trong năm 2019, chương trình OCOP của tỉnh tập trung mạnh về phát triển sản phẩm, củng cố và nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của các địa phương. Trong đó, nâng cấp ít nhất 01 sản phẩm 4 sao lên 5 sao, 16 sản phẩm 3 sao lên 4 sao, 6 sản phẩm 2 sao lên 3 sao; Tiếp tục hoàn thiện 31 sản phẩm đã đăng ký nhưng chưa đánh giá năm 2018; trong đó, có ít nhất 15 sản phẩm đạt tiềm năng 3 sao trở lên; Phát triển ít nhất 25 sản phẩm mới, trong đó ít nhất 15 sản phẩm đạt tiềm năng 3 sao trở lên.
Để chương trình OCOP tiếp tục được triển khai hiệu quả, Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đúng các nội dung trọng yếu đã đề ra, bao gồm: Triển khai chu trình OCOP thường niên với 06 bước, (gồm: Tuyên truyền về OCOP, nhận ý tưởng sản phẩm, nhận kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, đánh giá và phân hạng sản phẩm, xúc tiến thương mại) trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm”; Xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP; Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; Xúc tiến thương mại sản phẩm; Đào tạo nhân lực; Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, dự án thành phần...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh tập trung hỗ trợ phát triển mới các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; tái cơ cấu về tổ chức, nhà xưởng, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và xúc tiến thương mại... Trên cơ sở đó, lựa chọn những sản phẩm chủ lực để dồn lực tập trung, hoàn thiện dần quy trình sản xuất, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn OCOP. Qua đó, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị./.
Tiến Long