Vĩnh Long: Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu

|

Vĩnh Long: Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu

Nhiều xã hướng tới mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu
 
Thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Long xác định các tiêu chí về hạ tầng, kinh tế xã hội là những tiêu chí quan trọng nhất. Do đó, hàng năm tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông và thủy lợi tại các xã khó khăn. Khi cơ sở hạ tầng phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng, góp phần đưa giá trị nông nghiệp hàng năm tăng. Theo số liệu thống kê, năm 2018, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thủy sản Vĩnh Long đã tăng hơn 3%; giá trị các ngành dịch vụ nông nghiệp cũng tăng 7,0%.
 

Nhìn chung, chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Sản xuất nông nghiệp đã và đang theo đúng định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nhiều mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao; Chương trình giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được phát triển rộng khắp... góp phần tăng thu nhập cho người dân; An ninh trật tự được giữ vững, đời sống không ngừng được nâng lên. Theo số liệu của văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, năm 2018, tỉnh Vĩnh Long có 45/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 50,5% và 1 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
 
Thực tế cho thấy, để xây dựng thành công xã nông thôn mới đã khó, việc giữ vững thành tích với tiêu chí luôn luôn thay đổi lại càng khó hơn. Vì vậy, các xã NTM ở Vĩnh Long tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn (ấp) nông thôn mới kiểu mẫu và vườn kiểu mẫu.
 
Hiện, một số xã đã duy trì nâng cấp thành công tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn. Tiêu biểu như xã Long Mỹ (Mang Thít) - xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và huyện, đồng thời cũng là xã đầu tiên xây dựng thành công phong trào “Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp”, được nhân rộng cho các xã nông thôn mới trong tỉnh. Đây cũng là xã được ghi nhận vẫn giữ vững được 19/19 tiêu chí sau 5 năm về đích nông thôn mới, trong đó có một số tiêu chí đã được nâng cao chất lượng. Xã Hòa Hiệp (Tam Bình) nổi tiếng với gần 20km tuyến đường hoa nhiều sắc màu, tạo nên cảnh quan sạch, đẹp ở vùng nông thôn và đang tiếp tục được nhân rộng trong toàn xã. Có thể nói, đây là những xã điển hình trong phong trào xây nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp”, góp phần nâng cao ý thức  giữ gìn môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn.
 
Xã Thới Hòa và Thới Đông, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới cũng đã tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí theo chuẩn mới, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Thới Hòa đã bắt tay xây dựng kế hoạch và tổ chức trồng cây xanh, hoa kiểng dọc theo các tuyến lộ, vận động người dân vệ sinh đường làng ngõ xóm để tạo nên diện mạo mới. Đồng thời, thực hiện thêm 5 công trình làm tăng năng lực phục vụ hệ thống thủy lợi trên địa bàn; nâng cao chất lượng tiêu chí bưu điện và tổ chức sản xuất để phù hợp với chỉ tiêu mới…
 
Cùng với xã Thới Hòa, xã Thới Đông cũng đang hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở Thới Đông là đã làm tốt công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Trên địa bàn xã có hơn 1.725ha đất sản xuất nông nghiệp với 1 cánh đồng mẫu tại 3 ấp Thới Trung, Thới Thạnh và Thới Xuyên với diện tích 150ha. Xã có Hợp tác xã Đông Xuân hoạt động hiệu quả về lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp.
 
Xã Thuận An (TX Bình Minh) nổi tiếng là xã có thu nhập của người dân cao nhất tỉnh cùng tuyến đường hoa trồng đều thẳng tắp 2 bên lề đường tạo nên nét riêng cũng được tỉnh, huyện quan tâm chọn làm điểm để xây NTM kiểu mẫu.
 
Bên cạnh đó, xã Tân An Luông (Vũng Liêm) - lá cờ đầu trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tỉnh nhiều năm liền, đồng thời cũng là xã có nền tảng khá vững chắc để xây nông thôn mới kiểu mẫu về an ninh trật tự.
 
Khó khăn và thách thức trong giai đoạn mới
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn mới còn gặp một số khó khăn, thách thức. Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, qua thẩm định đánh giá nâng chất các tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã đạt chuẩn, trong năm 2018 đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới bị giảm tiêu chí. Những xã này đều bị sụt giảm ở một số tiêu chí như: Trường học, thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường, quốc phòng an ninh, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật… Nguyên nhân các xã bị sụt giảm tiêu chí phần lớn là do Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 có nhiều tiêu chí được nâng chất lượng với mức độ cao hơn. Cụ thể: Chỉ tiêu nước sạch trong tiêu chí 17 từ 50% lên 65%; bảo hiểm y tế trong tiêu chí 15 từ 70% lên 85%; tiêu chí 11 về hộ nghèo dưới 6% xuống còn 4%. Nhiều tiêu chí bổ sung thêm nội dung như: Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật… làm ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thực hiện tiêu chí tại các xã, nhất là các xã đã được  công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Hiện nay, 4 tiêu chí bị giảm nhiều nhất tại các xã nông thôn mới của tỉnh là: Quốc phòng và An ninh, tổ chức sản xuất, trường học, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Đây cũng là những tiêu chí rất khó thực hiện tại tỉnh trong năm 2018. Theo đó, tiêu chí về trường học nếu không có việc duy tu, bảo trì, nâng cấp thường xuyên thì theo quá trình sử dụng sẽ bị hao mòn, hư hỏng. Ngoài ra, tình trạng số lượng học sinh ở những địa phương tập trung đông dân cư không ngừng tăng, trong khi cơ sở vật chất của các trường hạn chế, chưa đáp ứng kịp, đòi hỏi phải nâng cấp, mở rộng. Những vấn đề này đều cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn lực của địa phương lại giới hạn.
 
Bên cạnh đó, đạt tiêu chí tổ chức sản xuất cũng là thách thức đối với các xã nông thôn mới của tỉnh, đây là một trong những tiêu chí quan trọng, là mô hình hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững, từ đó nâng cao thu nhập. Ở giai đoạn 2011-2015, tiêu chí số 13 là hình thức sản xuất và quy định có tổ hợp tác là đạt. Đến giai đoạn 2016-2020, tiêu chí số 13 là tổ chức sản xuất và quy định phải là hợp tác xã hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Hiện nay, toàn tỉnh có 76 hợp tác xã nông nghiệp, 1 liên hiệp  hợp tác xã, 1.313 tổ hợp tác với gần 51.500 thành viên tham gia. Trong đó, 23 hợp tác xã thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và dịch vụ tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản; 15 hợp tác xã được ngành nông nghiệp hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP). Tuy nhiên, các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: Nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã của tỉnh hiện khá hạn chế, đa số hợp tác xã có quy mô sản xuất nhỏ, tổ chức bộ máy chưa đầy đủ. Nhiều hợp tác xã chưa xây dựng và phát triển được các hình thức liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp nên sản xuất và kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp còn yếu, hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức điều hành và nghiệp vụ chuyên môn. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các xã trong việc giữ vững tiêu chí tổ chức sản xuất, cũng như về đích nông thôn mới.
 
Mục tiêu năm 2019
 
Năm 2019, tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 6 xã được công nhận xã nông thôn mới, các xã còn lại thực hiện đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí trở lên. Riêng các xã đã được công nhận đạt xã nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí ở mức độ cao hơn; mỗi huyện, thị xã phấn đấu đăng ký thực  hiện 1 xã nông thôn mới nâng cao.
 
Để tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, trong quá trình thực hiện cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp cùng đồng hành trong xây dựng nông thôn mới, xác định đây là trách nhiệm chung của chính quyền và nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để giải quyết những khó khăn vướng mắc kịp thời, thực hiện sai đâu sửa đó, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, những tiêu chí dễ thực hiện nhất.
 
Bên cạnh đó, để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả bền vững, cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các xã đã về đích nông thôn mới của tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Theo đó, Tỉnh tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp; gắn quy hoạch cấp xã với quy hoạch chung của huyện và của tỉnh; huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Ngoài ra, Tỉnh quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các địa phương chủ động xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết hợp tác, gắn với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo sản xuất bền vững, hiệu quả; hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung văn hóa, xã hội, môi trường; xây dựng nếp sống văn minh, phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm gắn với xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa.
 
Với những nỗ lực không ngừng, tỉnh Vĩnh Long quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới thật sự bền vững, góp phần thay đổi diện mạo và đưa nông thôn gần hơn với thành thị, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển./.

Tiến Long