Lạng Sơn huy động mọi nguồn lưc cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới

|

Lạng Sơn huy động mọi nguồn lưc cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, đến hết năm 2018, tỉnh Lạng Sơn có thêm 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn từ 36/207 xã năm 2017 lên 48/207 xã, đạt 23,18%. Bình quân mỗi xã trên địa bàn đạt khoảng 9,7 tiêu chí/xã; toàn tỉnh không còn xã dưới 5 tiêu chí, 5 xã đặc biệt khó khăn được chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016- 2020, nâng từ 3-4 tiêu chí năm 2016 lên từ 9-15 tiêu chí. Trong đó, xã Cao Minh, huyện Tràng Định và xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn có khả năng đạt chuẩn ngay trong năm 2019. Để đạt được những thành tựu trên, cùng với nguồn lực của nhà nước, nhân dân trong địa bàn tỉnh đã cùng nhau chung tay góp sức trong việc thực hiện các tiêu chí NTM.
 
Phát huy sức mạnh từ nhân dân
 
Giai đoạn 2016-2018, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã huy động được trên 412,5 tỷ đồng vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư gồm: Tiền mặt, hiến đất, ngày công lao động quy ra tiền...

 
 
Nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp ngày công lao động để hoàn thành các tiêu chí liên quan đến huy động sức dân. Ngay từ những tháng đầu năm 2018, phong trào ra quân đầu xuân làm giao thông, thủy lợi gắn với xây dựng NTM đã có 202/207 xã tổ chức triển khai và thu được kết quả đáng mừng. Toàn tỉnh đã huy động gần 75 nghìn ngày công làm thủy lợi; sửa chữa, kiên cố hơn 6 km kênh mương, đào đắp trên 6.000 m3, phát dọn trên 305 km2 mương các loại… Ngoài việc đảm bảo hệ thống kênh mương thủy lợi hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, nhờ có sự chung tay góp sức của người dân đã giúp cho 35 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, nâng tổng số xã đạt tiêu chí này từ 22/207 xã năm 2016 lên 168/207 xã năm 2018 và trở thành một trong những tiêu chí liên quan đến hạ tầng có nhiều xã đạt nhất trên địa bàn tỉnh. Riêng tiêu chí giao thông, Tỉnh đã huy động 285,6 nghìn ngày công; nhân dân đóng góp bằng tiền trên 50 tỷ đồng, hiến 85.500 m2 đất, qua đó mở mới được trên 50 km đường giao thông, bê tông hóa trên 400 km đường… Riêng tháng đầu năm 2019, từ trước Tết Nguyên đán, UBND các huyện chỉ đạo các xã huy động nhân dân ra quân đồng loạt vừa làm mới nhiều đoạn đường, kênh mương, vừa tập trung sửa chữa các đoạn mương bị sạt lở, khơi thông cống rãnh, đảm bảo tưới tiêu hiệu quả cho mùa vụ và thuận lợi cho bà con đi lại, sản xuất. Tiêu biểu có một số huyện đạt được kết quả cao như:  Huyện Lộc Bình đã  huy động gần 45 nghìn công lao động để làm mới 1,47 km đường bê tông nông thôn, phát cây đảm bảo tầm nhìn hơn 200 nghìn m2; sửa chữa và nạo vét hơn 137 km rãnh thoát nước; với công tác thủy lợi, huyện huy động hơn 11 nghìn ngày công, nạo vét hơn 140 km kênh mương, phát quang gần 61 km2 bờ mương, hồ, đập. Huyện Chi Lăng đã cấp 780 tấn xi măng để thực hiện, tính đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng năm 2019, toàn huyện làm mới được 4,6 km đường bê tông nông thôn, trong đó: 637 m đường trục xã, 1.767 m đường trục thôn, 1.290 m đường làng ngõ, xóm và 910 m đường nội đồng; xây dựng mới 50 m mương bê tông, nạo vét 600 m3 bùn đất và phát quang được hơn 20 km kênh mương. Thêm vào đó, một số tiêu chí NTM liên quan đến huy động sức dân cũng được nhân dân các xã đóng góp hàng nghìn ngày công để thực hiện như: Nhà ở dân cư, môi trường; hiến đất để nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…
 
Các cấp, ngành tập trung đầu tư nguồn lực cho nông thôn mới
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, nguồn vốn phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho mục tiêu thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 là gần 1,1 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 đã giải ngân 97,62% tổng số vốn của năm, tương tự năm 2017 đã giải ngân 86,41% và năm 2018 đã giải ngân 100%. Thông qua các tổ chức tín dụng (trong đó có Ngân hàng chính sách xã hội), đã thực hiện đầu tư tín dụng cho xây dựng nông thôn mới và các hộ nghèo vay vốn với tổng số xấp xỉ 6,3 nghìn tỷ đồng.
 
Năm 2018, vốn phân bổ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là 196,4 tỷ đồng cho 147 danh mục công trình. Cụ thể: Phân bổ cho các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2017 là 52 danh mục công trình; phân bổ cho các dự án khởi công mới năm 2018 là 77 danh mục công trình, trong đó có 19 công trình giao thông, 9 công trình thủy lợi, 3 công trình điện nông thôn, 23 công trình trường học, 9 công trình cơ sở vật chất văn hóa, 8 công trình trạm y tế và 6 công trình nước sinh hoạt. Để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng các công trình, ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình, trực tiếp tháo gỡ khó khăn phát sinh. Qua đó, các công trình đến nay cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.
 
Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Tỉnh đã thực hiện được 56 cuộc làm việc, kiểm tra về tình hình thực hiện   xây dựng NTM tại các huyện, thành phố, các xã điểm và các xã đặc biệt khó khăn. Các Sở, ban, ngành, văn phòng điều phối, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Tỉnh đã tổ chức được 246 cuộc làm việc, kiểm tra liên quan đến công tác chỉ đạo, các tiêu chí, lĩnh vực do các ngành được giao phụ trách.
 
Mặt trận Tổ quốc Tỉnh đã chủ động xây dựng Chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội về hiệp thương phối hợp thống nhất thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2017-2020. Thi đua xây dựng nông thôn mới tại các huyện, xã của tỉnh Lạng Sơn đã trở thành phong trào rộng khắp, đặc biệt, từ cơ sở xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã phát huy hiệu quả tốt và đang được nhân rộng. Từ đầu năm 2018, một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào thực hiện các mô hình phát triển sản xuất từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng NTM. Điển hình như huyện Tràng Định đã hoàn thành 6 mô hình sản xuất và 2 mô hình sản xuất thực hiện vào tháng 10/2018 do đợi thời vụ; huyện Bắc Sơn đã thực hiện được 9 mô hình; huyện Văn Quan hoàn thành 4 mô hình; huyện Chi Lăng thực hiện 14 mô hình…
 
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 69 mô hình phát triển sản xuất tại 52 xã với 2.320 hộ gia đình, 6 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác tham gia. Cơ bản các mô hình đáp ứng được nguyện vọng người dân và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phát huy được thế mạnh từng vùng, địa phương, giúp nhân dân xóa bỏ dần   thói quen canh tác lạc hậu, hướng tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất như: Mô hình na VietGAP tại Chi Lăng; chanh leo tại Tràng Định, Văn Lãng; trồng nghệ, cây dược liệu ở Văn Quan; cây ăn quả ở Bắc Sơn, Hữu Lũng…
 
Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, hạ tầng kinh tế xã hội kém phát triển, tập quán sinh hoạt và sản xuất của người dân khu vực miền núi lạc hậu, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, đến nay, Tỉnh đã có 1/11 đơn vị cấp huyện (thành phố Lạng Sơn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo qua các năm 2016, 2017, 2018 đều giảm, vượt mục tiêu bình quân 3,06%/năm do Ban Chỉ đạo đề ra. Với những thành tích đáng ghi nhận trên, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lạng Sơn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020./.
  
Minh Hà