Huyện Nguyên Bình: Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với Xây dựng nông thôn mới

|

Huyện Nguyên Bình: Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với Xây dựng nông thôn mới

Nguyên Bình là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Cao Bằng, là quê hương giàu truyền thống cách mạng, có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - Nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng ngày nay. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, để tạo khởi sắc cho “tam nông”, cấp ủy, chính quyền huyện Nguyên Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với Xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại địa phương dần được hình thành, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.



Cuộc sống của đồng bào DTTS và miền núi huyện Nguyên Bình đổi thay, phát triển từng ngày nhờ triển khai
thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia

Thời gian qua, huyện Nguyên Bình tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là đối với nhóm cây trồng chủ lực như: Trúc sào, dong riềng, lê, thanh long, quế… Cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế các vùng sản xuất hàng hóa. Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cây trồng, phát huy lợi thế tiềm năng của địa phương. Kết quả, trồng trên 1.700 ha quế, 2.300 ha trúc sào, trên 200 ha lê, trên 50 ha mận, trên 40 ha thanh long, 5 ha dưa hấu; một số mô hình trồng nho, dâu tây gắn với du lịch trải nghiệm đem lại thu nhập cho bà con cao hơn trồng ngô lúa gấp nhiều lần. Hiện nay, Huyện thực hiện hỗ trợ 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn về VietGAP như: Rau bắp cải xã Vũ Minh; quýt xã Hoa Thám, Tam Kim; lê xã Quang Thành, Thể Dục. Bên cạnh đó, phát huy các giá trị của cây trồng bản địa gắn với chuyển đổi cơ cấu theo hướng nghiên cứu, bổ sung một số loại cây trồng mới có năng suất, giá trị gia tăng cao để đưa vào sản xuất. 

Bên cạnh đó, để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, Huyện ủy Nguyên Bình triển khai Chương trình số 08-CTr/HU ngày 30/12/2020 về phát triển cây quế và cây dược liệu dưới tán rừng giai đoạn 2020-2025. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tối đa nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ Nhân dân trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; xây dựng mô hình thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao trên địa bàn Huyện. Căn cứ vào đặc điểm tình hình, điều kiện tự nhiên và tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND huyện lựa chọn các vùng trồng dược liệu quý, khu trồng dược liệu quý ứng dụng công nghệ cao và điểm xây nhà máy chế biến dược liệu tại các xã: Thịnh Vượng, Minh Tâm, Vũ Minh, Tam Kim, Hoa Thám và Thành Công. Việc thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân tăng cường tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất. 


Đường vào xóm Lũng Ỉn, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình được bê tông hóa

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, huyện Nguyên Bình vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, nguồn tự chủ, vốn đối ứng từ Nhân dân chưa đáp ứng được so với mục tiêu đề ra; chưa thu hút đầu tư được từ phía các doanh nghiệp, hợp tác xã trong xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chế biến sản phẩm. Diện tích canh tác còn nhỏ lẻ, không tập trung, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế dẫn đến việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng các tiêu chí trong đánh giá các sản phẩm thực hiện Chương trình OCOP còn gặp khó khăn.


Người dân xóm Phja Đén, xã Thành Công thu hái chè

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức Xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025, huyện Nguyên Bình đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về Chương trình xây dựng NTM. Từ năm 2021 đến nay, toàn Huyện huy động nguồn lực trên 63,7 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, trong đó, chủ yếu là vốn đầu tư công hơn 60 tỷ đồng, còn lại là lồng ghép một số nguồn vốn khác. Trong quá trình triển khai, Huyện lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư; huy động sự vào cuộc của người dân địa phương trong việc tham gia hiến đất, công lao động, xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn và các thiết chế văn hóa, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn với nhiều khởi sắc.


Huyện Nguyên Bình đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là đối với nhóm cây trồng chủ lực 

Thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, huyện Nguyên Bình phấn đấu đến năm 2025 có 02 xã: Tam Kim, Hoa Thám đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến nguồn lực cần thực hiện cho cả 02 xã là 52,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nguyên Bình là huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao chiếm 67,68%, hệ thống hạ tầng nông thôn còn thiếu, điều kiện sinh hoạt, sản xuất, học tập của Nhân dân chưa đảm bảo, các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Đến nay, huyện Nguyên Bình chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các Tiêu chí nông thôn mới của Huyện đạt 9,6 Tiêu chí/xã.


Khu du lịch sinh thái Kolia thuộc xóm Phja Đén, xã Thành Công do Công ty TNHH Kolia Cao Bằng đầu tư xây dựng, là địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”, huyện Nguyên Bình xác định tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, của toàn đảng, toàn dân, toàn quân và huy động nguồn lực của toàn xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ hoàn thành Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới đối với xã Tam Kim, Hoa Thám nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và Đại hội khóa XIII của Đảng nhiệm kỳ 2020-2025./.

Đào Nguyên Phong
Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình