Tín dụng chính sách khẳng định vai trò “trụ cột” trong công tác giảm nghèo của Lai Châu

|

Tín dụng chính sách khẳng định vai trò “trụ cột” trong công tác giảm nghèo của Lai Châu

Với ưu điểm về thời gian cho vay dài, lãi suất thấp, hạn mức cho vay được nâng lên, đối tượng được vay được mở rộng, chương trình cho vay đa dạng mục đích… nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đời sống, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lai Châu phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH
để triển khai, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách

 

Bao phủ rộng khắp, đa dạng chương trình cho vay

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã phủ kín 100% các thôn, bản, khu phố. Hiện nay, tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khi nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện chắc chắn sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi. Để tạo thuận lợi cho người dân, Ngân hàng CSXH Chi nhánh (CN) tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện điểm giao dịch tới địa bàn 106/106 xã, phường, thị trấn trong toàn Tỉnh, góp phần giải quyết hầu hết các nghiệp vụ ngân hàng phát sinh (thu lãi, trả gốc, giải ngân) với người dân được thực hiện ngay tại chỗ.
Trong 9 năm 2024, Ngân hàng CSXH CN tỉnh đã thực hiện mở 1.002 phiên giao dịch tại các xã, phường thị trấn, hoạt động tại điểm giao dịch xã được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Ngoài những phiên trực cố định, các phiên giao dịch bổ sung đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của Nhân dân. Cách làm này cũng góp phần tăng cường sự giám sát, chỉ đạo của Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội đảm bảo công khai, dân chủ, tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay.

Một buổi tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho các thành viên Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn
ở huyện Phong Thổ

Hiện nay, Ngân hàng CSXH CN tỉnh Lai Châu đã triển khai 17 chương trình tín dụng cho vay. Các chương trình tín dụng chính sách này đã gần như phủ kín các yêu cầu để giảm nghèo đa chiều (thu nhập, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường…) đồng thời, có thêm chương trình mới, mở rộng đối tượng vay vốn (như người đã chấp hành xong án phạt tù) và phục vụ các mục tiêu khác (như giải quyết việc làm, nhà ở xã hội). Tính đến hết tháng 9 tháng năm 2024, Ngân hàng CSXH CN tỉnh Lai Châu có dư nợ đạt hơn 3.887 tỷ đồng, tăng hơn 210 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 53.832 khách hàng vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, nhà ở xã hội cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Về nguồn vốn, bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương (chiếm khoảng 85,22% tổng nguồn, tương đương 3.318 tỷ), Chi nhánh cũng huy động tiền gửi tại địa phương được gần 382 tỉ đồng (bằng 9,79% tổng nguồn) và vốn ủy thác đầu tư của UBND các cấp là hơn 194 tỷ đồng (chiếm 4,99% tổng nguồn).

Hỗ trợ đắc lực giúp người dân thoát nghèo

Xác định chính sách tín dụng là cơ hội để giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, Ngân hàng CSXH CN tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng; ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, phối hợp triển khai các hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội và vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; hướng dẫn UBND cấp xã rà soát đối tượng vay vốn để lập danh sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các tổ dân phố, thôn bản theo đúng quy định; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, lồng ghép chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả… Chú trọng công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. 

Người dân đến giao dịch tại PGD Ngân hàng CSXH huyện Sìn Hồ được hướng dẫn, phục vụ tận tình

Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 14.414 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn. Nguồn vốn từ chính sách tín dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, những tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ, nhận thức để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Đơn cử như tại huyện Sìn Hồ, một địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu với 17/22 xã khu vực III, công tác giảm nghèo luôn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương. Để giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, thời gian qua, Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng CSXH huyện Sìn Hồ đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách, đầu tư tín dụng, quản lý nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Từ đó, người dân rất phấn khởi đón nhận, mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo ổn định cuộc sống, đồng thời cũng đã chấp hành tốt nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc trả nợ, trả lãi vốn vay cho Ngân hàng. Trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, PGD Ngân hàng CSXH huyện Sìn Hồ luôn có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Cấp uỷ, chính quyền địa phương từ huyện đến các xã, thị trấn và có sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm của các phòng chuyên môn của Huyện, của các Tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác từ huyện đến cơ sở trong việc chuyển tải nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả.

Nhờ tiếp cận vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân của huyện Sìn Hồ đã mạnh dạn
đầu tư chăn nuôi đại gia súc, mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo bền vững

Năm 2023, PGD Ngân hàng CSXH huyện Sìn Hồ đã giải ngân cho 3.430 hộ thuộc nhóm nghèo và các đối tượng chính sách khác, tổng dư nợ cho vay đạt trên 601 tỷ. Song song với việc đầu tư nguồn vốn tín dụng, PGD Ngân hàng CSXH huyện Sìn Hồ cũng tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và đội ngũ cán bộ hội đoàn thể có tâm, có tầm, nhiệt huyết với công việc, nhiệt tình hướng dẫn, phổ kiến kiến thức nhằm giúp cho các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho các hộ vay vốn có điều kiện đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sìn Hồ trong 3 năm gần đây giảm bình quân giảm từ 4-5%/năm, đến năm 2023 chỉ còn 43,34%, thu nhập bình quân đạt 36,5 triệu đồng/người/năm, cơ bản đời sống người dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt; trong đó nổi lên một số xã điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo như xã Nậm Tăm, Chăn Nưa,...

Góp phần xây dựng nông thôn ngày càng khởi sắc

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ góp phần hiệu quả trong công tác  giảm nghèo bền vững của tỉnh Lai Châu mà còn “tham gia” hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương thực hiện và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực nông thôn, miền núi. Trong 9 tháng năm 2024, từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, Tỉnh đã hỗ trợ người dân xây dựng 4.467 công trình nước sạch và 4.467 công trình vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm cho 2.248 lao động có việc làm; xây mới, cải tạo và sửa chữa 66 căn nhà góp phần cải thiện điều kiện sống và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tân Uyên là một trong địa phương dẫn đầu Tỉnh trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Huyện đã 9/9 xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên, hiện nay các tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025 đều được nâng lên và cao hơn so với giai đoạn trước rất nhiều. Do đó, để đảm bảo theo bộ tiêu chí mới, đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, Tân Uyên đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực; xây dựng cơ sở y tế đạt chuẩn, xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hóa... 

PGD Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên phối hợp cùng các tổ chức hội kiểm tra
việc sử dụng vốn của các hộ, cá nhân trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích

Đồng hành cùng với huyện Tân Uyên trong việc nâng cao các tiêu chí, PGD Ngân hàng CSXH Huyện đã tập trung đẩy mạnh cho người dân vay để phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện yếu tố vệ sinh môi trường, cải tạo nhà ở… Đơn cử, như ở xã Nậm Cần, một số hộ dân đã tiếp cận nguồn vốn chính sách (từ nhiều chương trình) để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc hộ gia đình, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh và nhà vệ sinh cộng đồng bản gắn với nhà trưng bày các sản phẩm văn hóa, chỉnh trang nhà cửa để làm du lịch theo mô hình homestay. Nguồn vốn chính sách đã làm cho bộ mặt nông thôn của Nậm Cần thực sự khởi sắc, qua đó hạn chế hoạt động tín dụng đen, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Để đẩy mạnh công tác giải ngân trên địa bàn huyện, PGD Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên đã bố trí cán bộ phụ trách theo từng chương trình, địa bàn cụ thể, ưu tiên cán bộ có kinh nghiệm đảm nhận thực hiện các chương trình có vốn lớn, đối tượng thụ hưởng nhiều; phối hợp các phòng ban chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư, phát triển kinh tế, sử dụng vốn hiệu quả. Sau giải ngân, PGD Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành kiểm tra 100% món vay. Qua kiểm tra, các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay; nguồn vốn phát huy tốt; không có trường hợp vay mượn hộ, vay ké, xâm tiêu chiếm dụng và đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tính đến tháng 10 năm 2024, tỷ lệ nợ quá hạn của PGD Ngân hàng CSXH Tân Uyên chỉ là 0,01% (trong tổng dư nợ 537 tỷ).

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên PGD Ngân hàng CSXH huyện Than Uyên
còn tham gia các hoạt động an xã hội, tri ân tặng quà người có công nhân dịp ngày thương binh liệt sỹ

Có thể nói, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn các huyện, thành phố đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, thoát nghèo, làm giàu, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH CN tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục khai thác các nguồn vốn, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội./.

Đình Đình