Huyện Văn Quan (Lạng Sơn): Khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới

|

Huyện Văn Quan (Lạng Sơn): Khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới

Văn Quan là một trong 74 huyện nghèo nhất nước theo Quyết định 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Huyện có 16 xã và 01 thị trấn, với 02 dân tộc chính là Nùng, Tày sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số; đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Với quyết tâm thoát nghèo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong Huyện luôn phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân.


Khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp để phát triển kinh tế

Huyện Văn Quan được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng một số cây lâm nghiệp lâu năm. Bên cạnh đó, Huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, trên 8.500 ha rất thuận lợi để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao.

Với những tiềm năng, lợi thế đó, huyện Văn Quan  xác định kinh tế chủ lực vẫn là nông, lâm nghiệp, trong đó đòn bẩy để thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển chính là ứng dụng khoa học vào sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng và tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao như cây hồi, trám đen, sở...

 

Đoàn công tác Ban Tuyên Giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
làm trưởng đoàn, đã có buổi trải nghiệm trong rừng Hồi hữu cơ tại xã Bình Phúc, huyện Văn Quan

 
Từ định hướng đó, những năm qua, huyện Văn Quan đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển các cây trồng chủ lực. Với cây hồi: Để cải tạo, nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế từ cây hồi, Huyện đã xây dựng và thực hiện đề án phát triển hồi hữu cơ; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hồi; khuyến khích phát triển mô hình doanh nghiệp hợp tác với nông dân để đầu tư sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây hồi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm từ cây hồi.

Việc hướng dẫn và khuyến khích người dân áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong quá trình trồng, chăm sóc, khai thác cây hồi đã giúp cải thiện rừng hồi già và mở rộng diện tích trồng hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng được nhu cầu thị trường, đồng thời qua đó cũng làm thay đổi nhận thức của người dân trong canh tác cây hồi.

Đến nay, huyện Văn Quan có trên 14.500ha hồi, trong đó có khoảng 11.000 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt từ 2 đến 2,5tấn/ha, sản lượng đạt từ 20 đến 30 nghìn tấn hồi tươi, thu nhập ước đạt từ hồi hằng năm khoảng 700 tỷ đồng.

Huyện cũng đã thành công trong dự án xây dựng nhà máy chế biến hồi tại thị trấn Văn Quan với quy mô công suất chế biến là 5.000 tấn hoa hồi khô/năm, sản phẩm sản xuất là các tinh chất từ hồi chủ yếu để xuất khẩu.

 
Các hộ dân ở  huyện Văn Quan phơi, tuyển chọn hồi cho các cơ sở thu gom hồi xuất khẩu

 
 
Cũng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Văn Quan, cây sở được trồng nhiều tại các xã: Lương Năng, Tú Xuyên, Hòa Bình, Đồng Giáp, Liên Hội, Trấn Ninh với tổng diện tích khoảng trên 1.000 ha, diện tích cho thu hoạch gần 400 ha. Để phát triển cây sở trên địa bàn, Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho người dân. Cùng với đó, triển khai các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất như: chương trình 30a, chương trình 135, chương trình trồng cây phân tán,…

Bên cạnh cây hồi và cây sở, huyện Văn Quan cũng khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thay đổi phương thức canh tác truyền thống; đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, như: Sản xuất rau, quả an toàn; chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang phát triển vùng trồng lúa mới chất lượng cao Jobanica; đẩy mạnh canh tác các loại cây công nghiệp ngắn ngày; phát triển mô hình nuôi cá Nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa, gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình chăn nuôi vịt thịt, tạo vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP …

Ngoài ra, Huyện tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên doanh, liên kết để đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Huy động và tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh, Văn Quan gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong bối cảnh đó, Huyện xác định phải chắt chiu những cơ hội tốt nhất, huy động mọi khả năng, mọi mối quan hệ với các tổ chức cá nhân để có thể tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư, dù là rất nhỏ.

Từ nguồn lực huy động, Huyện tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục và cơ sở hạ tầng nông thôn có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đồng chí Hứa Phong Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện- Chánh văn phòng Điều phối NTM huyện Văn Quan
phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM  tại xã Trấn Ninh

 
Để giúp các xã thực hiện tiêu chí NTM, Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã tổ chức rà soát thực trạng, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Bên cạnh phân bổ nguồn lực hỗ trợ các xã, Huyện tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để cùng huy động sức dân thực hiện các tiêu chí; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai tại từng xã…

Tổng nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện là 1.069 tỷ đồng (từ các nguồn vốn: Vốn Các Chương trình MTQG, vốn NSĐP tỉnh phân bổ, vốn NSĐP huyện quản lý, vốn hỗ trợ huyện thoát nghèo…). UBND huyện đã phân bổ để thực hiện 56 công trình giao thông, 14 công trình thủy lợi, 28 công trình Giáo dục và Đào tạo, 27 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (trạm y tế, nhà văn hóa, chợ…), 04 công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tạo quỹ đất phát triển và các công trình khác.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và huyện Văn Quan tặng hoa chúc mừng xã Liên Hội
đạt chuẩn NTM năm 2023

 
Huyện Văn Quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 30/4/2023 về thực hiện Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn Huyện năm 2023 và chỉ đạo các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra đôn đốc các xã thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí. Đến nay, số xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã tăng từ 5/16 xã năm 2020 lên 16/16 xã; số trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, mức độ 2 tăng từ 18 trường năm 2020 lên 25 trường.

Huyện cũng đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra đưa xã Liên Hội đạt chuẩn NTM; xã Điềm He đạt chuẩn NTM nâng cao; nâng chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới trung bình toàn huyện đạt 12,25 tiêu chí/xã và chỉ tiêu NTM nâng cao đạt 5,5 tiêu chí/xã, có 08 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
 

Nhân dân huyện Văn Quan tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn

 
Hiện nay, chương trình MTQG xây dựng NTM tiếp tục được cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân tiếp tục được quan tâm; Chương trình mỗi xã một sản phẩm được đẩy mạnh thực hiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được chỉ đạo thực hiện bám sát vào các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; công tác giáo dục, y tế, môi trường có sự chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, ổn định. Đây là tiền đề để Văn Quan tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao đời sống người dân và ra khỏi danh sách các huyện nghèo vào năm 2025.
 
Minh Châu