Sơn La: Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội

|

Sơn La: Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La luôn bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết của tỉnh. Nhiều nhiệm vụ KH&CN do Ngành triển khai ngày càng đi vào chiều sâu và có tính ứng dụng cao, từ đó tạo động lực và là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội đồng nghiệm thu Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030”

Giai đoạn 2016-2020, những cơ chế, chính sách về KH&CN tiếp tục được tỉnh Sơn La tập trung hoàn thiện, đưa KH&CN thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN từng bước được đẩy mạnh, toàn diện trên các lĩnh vực và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai 93 nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, trong đó 86 nhiệm vụ cấp tỉnh, 7 nhiệm vụ cấp Quốc gia. Các nhiệm vụ được cơ cấu trên các lĩnh vực như: Lĩnh vực nông nghiệp 48 nhiệm vụ (chiếm 52%), lĩnh vực xã hội & nhân văn, y tế, giáo dục 37 nhiệm vụ (chiếm 40%), Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ 8 nhiệm vụ (chiếm 8%).

Đoàn công tác Sở KH&CN kiểm tra mô hình trồng rau, củ hữu cơ
tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Tính đến tháng 12/2020, số lượng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã được nghiệm thu tổng kết là 69 nhiệm vụ; bàn giao 53 nhiệm vụ KH&CN cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, trường đại học, cao đẳng trong tỉnh để tổ chức tuyên truyền, triển khai nhân rộng kết quả nghiên cứu vào trong thực tiễn. Nhiều mô hình, đề tài nghiên cứu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào ứng dụng có hiệu quả, tạo ra hướng đi, triển vọng mới cho sản xuất và đang được nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm luận cứ khoa học, thực tiễn để Tỉnh uỷ, HĐND - UBND tỉnh ban hành một số chính sách, các quyết định trong công tác quản lý, điều hành.

Đoàn công tác Sở KH&CN thăm quan mô hình hỗ trợ khởi nghiệp
tại trang trại dâu tây Chimi Farm, huyện Mộc Châu

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và sản xuất của tỉnh. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đã được mở rộng diện tích tại chỗ và nhân rộng sang các vùng lân cận. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu đã ngày càng lan tỏa và có chỗ đứng trên thị trường, tạo nên các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đoàn công tác Sở KH&CN Sơn La kiểm tra vườn cây ghép tại xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu

Nổi bật của hoạt động chuyển giao KH&CN trong giai đoạn này có thể kể đến: Nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật ghép để chuyển đổi, cải tạo giống được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt trong việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng rải vụ thu hoạch các loại cây ăn quả nhãn, xoài, bơ, cam quýt...; Các giống cây trồng, vật nuôi đặc sản khác biệt mang tính vùng miền có sức canh tranh cao được đưa vào sản xuất như: Thanh long ruột đỏ, hồng giòn Mộc Châu, giống hoa lan, hoa ly, sản phẩm cá lăng, cá tầm...

Ông Đặng Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Sơn La
kiểm tra Chuối tiêu Cavendish giai đoạn ra rễ, tạo cây hoàn chỉnh

Mặt khác, quy trình phục tráng các giống đặc sản được ứng dụng để bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng quý của tỉnh như giống lúa nếp tan Mường Và, nếp tan Ngọc Chiến, giống lúa tẻ dao, giống xoài Yên Châu, giống khoai sọ mán; cùng với đó là các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng chủ lực được ứng dụng trong sản xuất góp phần ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Ngoài ra, công nghệ chế biến và bảo quản được ứng dụng góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp trên địa bàn, tạo ra sản phẩm hàng hóa địa phương như: Sản phẩm rượu vang Sơn tra, rượu chuối, chuối sấy Yên Châu, rượu mận, mứt mận Mộc Châu; mật ong Sơn La, nước mắm Quỳnh Nhai…

 

Đoàn công tác Sở KH&CN kiểm tra mô hình trồng cà chua thương phẩm trong nhà màng
tại Khu ứng dụng nông, lâm nghiệp Mộc Châu

Về công tác xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực cũng được tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm, triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá tiềm năng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, lựa chọn sản phẩm có tiềm năng đưa vào danh mục sản phẩm cần xây dựng và phát triển thương hiệu theo từng giai đoạn. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 21 sản phẩm được cấp Văn bằng bảo hộ, trong đó: 03 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý; 15 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận; 03 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Có 02 sản phẩm đăng ký bảo hộ tại nước ngoài theo cam kết Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực vào tháng 7/2020 là chè Shan Tuyết và quả Xoài tròn Yên Châu. Hiện nay, toàn tỉnh có 03 sản phẩm: Bơ Sơn La, Nhãn Sơn La, Xoài Sơn La dự kiến hết tháng 6/2021 sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ.

Sở KH&CN Sơn La bàn giao kết quả nghiên cứu KH&CN cho UBND huyện Mai Sơn

Đáng mừng là, các sản phẩm đã được cấp Văn bằng bảo hộ, diện tích được mở rộng, sản lượng tăng đáng kể, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ; phát huy được giá trị của sản phẩm, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu cho sản phẩm như: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Phúc Sinh… Đồng thời, hỗ trợ hình thành và thúc đẩy sự phát triển các DN, HTX; gắn kết với Chương trình MTQG về XDNTM. Trong các năm 2017 và 2020 công tác “Xây dựng và phát triển thương hiệu” được Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Sơn La.

Đoàn công tác Sở KH&CN kiểm tra mô hình trồng nấm hương tại Khu ứng dụng nông, lâm nghiệp Mộc Châu

Bên cạnh đó, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025; Quyết định số 2886/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Sở KH&CN Sơn La định hướng việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Tập trung duy trì và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là hướng tới xuất khẩu. Khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị.

Hội nghị bàn giao kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN năm 2020 cho các Sở, ban, ngành,
UBND các huyện, thành phố, các trường Đại học, Cao đẳng, các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh Sơn La

Dù nguồn lực dành cho KH&CN còn hạn chế, song trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành KH&CN tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Sở sẽ ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số trong nông nghiệp để chọn, tạo ra giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới có năng suất chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, tuần hoàn; Hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm sản an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu gắn với quy hoạch của Tỉnh giai đoạn 2021-2025./.
 
                                                                                                Trọng Nghĩa