Võ Nhai là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên 83.942,57 ha, địa hình phức tạp, phần lớn là đồi núi dốc và núi đá vôi. Toàn huyện có 15 đơn vị hành chính gồm 14 xã và 01 thị trấn; trong đó có 86 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Dân số của Huyện có trên 67,2 nghìn người với nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó: Dân tộc Kinh chiếm 30,15%.
Hội trường huyện Võ Nhai được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện
quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương. Ảnh: Trọng Nghĩa
Võ Nhai là một trong những huyện nghèo của tỉnh Thái Nguyên, thu ngân sách thấp, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của ngân sách cấp trên. Trong giai đoạn 2016-2020, với tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 1.040 tỷ đồng đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện giảm bớt khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện từng bước được nâng lên.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải-Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (đứng thứ 2 từ phải sang) thăm quan mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Tràng Xá. Ảnh: Tư liệu
Song song với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huyện Võ Nhai đã thu hút được các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp triển khai các dự án: Khu dân cư số 1 với tổng mức đầu tư là 97,97 tỷ đồng; Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng với tổng mức đầu tư là 40,3 tỷ đồng; Nhà máy may của Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG tại Cụm công nghiệp Cây Bòng. Ngoài ra, Huyện đã từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn như: Khai thác mỏ vàng sa khoáng Bản Ná, Mỏ vàng sa khoáng Nam thung lũng Khắc Kiệm, Mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm của Công ty Cổ phần ĐTXD&KTKS Thăng Long; Nhà máy gang của Công ty Cổ phần ĐTTM Trọng Tín… góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng thu ngân sách, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong huyện.
Anh Đỗ Anh Dũng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên kiểm tra mô hình cây ba kích
tại xã Nghinh Tường. Ảnh: Tư liệu
Nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, diện mạo kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, hầu như các xóm, bản vùng đồng bào DTTS đã có đường bê tông; trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% các xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện tại, 14/14 xã đạt tiêu chí điện; 14/14 xã có nhà văn hóa xã đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; 142/164 xóm có nhà văn hóa xóm đạt chuẩn, chiếm 86,5%. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 41/61 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 65,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 5,5%/năm, năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,86%, đến hết năm 2019 giảm còn 13,63%.
Nhân dân xã Bình Long sản xuất chè sạch hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tư liệu
Ngoài ra, sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM, huyện Võ Nhai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 13,8 tiêu chí/xã, có 5 xã đạt chuẩn NTM (Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên, Tràng Xá, Dân Tiến). Bên cạnh đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, huyện Võ Nhai đã hình thành các vùng sản xuất tập trung phù hợp với thế mạnh của địa phương và cho giá trị kinh tế cao như: Vùng sản xuất Na tại các xã La Hiên, Lâu Thượng; Bưởi tại xã Tràng Xá; Ổi tại xã Phú Thượng; Cam Vinh tại các xã Lâu Thượng, Sảng Mộc…
Sản phẩm mang thương hiệu na La Hiên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng
bởi hương vị thơm ngon, bổ dưỡng
Cùng với đó, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được xây dựng, củng cố, hoạt động đồng bộ và hiệu quả; địa phương đã phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững đoàn kết dân tộc, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.
Trọng Nghĩa