Những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) huyện Phú Bình đã bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương để triển khai các chương trình, hoạt động giáo dục, lựa chọn ngành nghề đào tạo linh hoạt phù hợp thực tiễn; đồng thời, đa dạng trong hình thức tổ chức lớp học đáp ứng các nhu cầu học tập, học nghề cho mọi tầng lớp nhân dân trong huyện.
Đồng chí Trần Bảo Thắng - Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Phú Bình
Giữ vững chất lượng dạy và học văn hóa
Thực hiện chương trình GDTX đối với cấp THPT trên địa bàn huyện Phú Bình, thời gian qua, Trung tâm có nhiều đổi mới về phương pháp giảng dạy. Xuất phát từ thực tế, chất lượng học sinh đầu vào khá thấp, rỗng kiến thức, ý thức học tập, rèn luyện chưa cao; nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm đã chỉ đạo, khuyến khích và tạo điều kiện đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, thường xuyên tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém bổ sung những kiến thức bị rỗng, củng cố những kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng tự học cho các em.
Học sinh dự lễ khai giảng năm học 2020 - 2021
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, áp dụng phương pháp dạy học tích cực, truyền dạy kiến thức một cách chủ động, xây dựng bài giảng định hướng theo đối tượng người học, tăng cường sử dụng đồ dùng thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy một cách hợp lý.
Tập thể cán bộ giáo viên nhân viên Trung tâm tổ chức gặp mặt chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ
Song song với truyền dạy kiến thức, Trung tâm tăng cường các hoạt động Đoàn thể, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn của ngành giáo dục.
Với nỗ lực của cả thầy và trò, chất lượng giáo dục của Trung tâm luôn giữ vững, ổn định. Tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi và hạnh kiểm khá, tốt trở lên đều tăng. Nếu năm học 2016- 2017, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 30,8% và đạt hạnh kiểm khá, tốt là 89,3% thì đến năm học 2019-2020 con số đã là 41,6% và 90,8%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT thường xuyên đạt từ 97,3% đến 100%. Trung tâm thu hút được ngày càng nhiều học sinh, quy mô tăng từ 326 học sinh năm học 2016 - 2017 lên đến 746 em vào năm học 2020 – 2021.
Góp phần để xây dựng xã hội học tập
Học sinh vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục văn hóa, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phú Bình còn triển khai các chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ. Các khóa học được tổ chức linh hoạt và tăng cường tính thực hành, ngành nghề đào tạo thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường, thời gian học có thể từ ngắn hạn tới dài hạn. Trung tâm hướng tới xây dựng thành một cơ sở giáo dục đa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.
Lễ bế giảng và cấp chứng chỉ cho học viên lớp Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho lợn
Cụ thể, đối với nhóm đối tượng học sinh, Trung tâm tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vừa học văn hoá, vừa học trung cấp nghề, thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Trung tâm đã phối hợp với các Trường cao đẳng có uy tín để tư vấn, lựa chọn tổ chức các lớp nghề phù hợp như: Điện Công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn… Tỷ lệ học sinh vừa học văn hóa, vừa tham gia học trung cấp nghề (miễn phí) luôn đạt khoảng 90%. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề phổ thông, tư vấn hướng nghiệp cho các trường THPT trên địa bàn tiếp tục duy trì hiệu quả. Hàng năm, tỷ lệ thi nghề phổ thông khối THPT đạt kết quả tốt (thường xuyên là 100%).
Khai giảng lớp sơ cấp nghề Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi tại cho học viên là lao động nông thôn
tại xã Lương Phú
tại xã Lương Phú
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 1.014 lao động nông thôn thông qua 37 lớp đào tạo nghề, trong đó trình độ sơ cấp là 463 lao động, dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 551 lao động. Các nhóm nghề đào tạo rất đa dạng phù hợp với từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu của người học như: Điện công nghiệp, điện dân dụng, may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật gia công bàn ghế, sửa chữa điện lạnh, kỹ thuật chế biến món ăn, nuôi và phòng bệnh cho gà, lợn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi… Các lớp học được tổ chức ngay tại xã, thị trấn hoặc phối hợp với các doanh nghiệp để dạy thực hành tại xưởng. Qua khảo sát, có tới 92,2% người học cho rằng chương trình học phù hợp với thị trường lao động và xu thế phát triển của xã hội. Nhờ vậy, sau khi kết thúc khóa học, nhiều bà con đã áp dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi, trồng cây; hàng trăm lao động phi nông nghiệp có thể tự tạo việc làm hoặc được tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh./.
Đình Đình