Thạch An là huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng, có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Tày chiếm 45,9%, Nùng chiếm 35,8%, Mông chiếm 0,9%, Dao chiếm 14,%. Những năm qua, huyện Thạch An được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ nhiều nguồn lực kết hợp với nguồn vốn của các chương trình, dự án để đầu tư phát triển, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội của Huyện ngày càng khởi sắc.
Ông Lương Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND huyện Thạch An cho biết: Về sản xuất nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực hàng năm của Huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; công tác phòng, chống các loại dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phòng chống đói rét cho trâu, bò luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, không có dịch lớn xảy ra, tổng đàn gia cầm hàng năm đều tăng; đã hoàn thành việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. Công tác thu ngân sách hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch Tỉnh giao. Công tác xoá đói giảm nghèo được cấp uỷ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt các chính sách cho các đối tượng thụ hưởng, lồng ghép các nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Huyện bình quân trên 5%/năm. Công tác GD&ĐT, y tế, VH-XH tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình an chính trị trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo và giữ vững.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng
cùng các đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt
Địa điểm chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An.
Ảnh: Tư liệu
Bên canh đó, các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình 135 đã mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó người dân đã thay đổi được nhận thức về phương thức sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là người dân đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 là 15,7 nghìn tấn, đạt 102,34% KH. Một số cây trồng hàng hóa đạt khá: Diện tích cây Hồi 1.245 ha; diện tích Thạch đen 220 ha, cây ăn quả cam, quýt 50 ha. Công tác trồng rừng được quan tâm chỉ đạo, thực hiện, giai đoạn 2014 - 2019 toàn huyện trồng được 1.273 ha rừng. Độ che phủ rừng hiện nay đạt 65,5%.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng
cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt
Địa điểm chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An.
Ảnh: Tư liệu
Phong trào chung tay XDNTM được quần chúng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn bằng nhiều hình thức như: Hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền, vật chất... Đến nay, bình quân số tiêu chí trên toàn huyện là 9,67 tiêu chí/xã. Trong đó: 01 xã đạt chuẩn NTM năm 2017 (xã Đức Long); 02 xã đạt trên 10 tiêu chí; 12 xã còn lại đạt từ 6 - 9 tiêu chí, không còn xã dưới 05 tiêu chí. Tăng 3,4 tiêu chí so với năm 2015. Hoàn thành công tác di chuyển chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà...
Cùng với đó, Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Thạch an cũng được chú trọng và thực hiện tương đối tốt. Đồng bào các dân tộc huyện Thạch An rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc thường xuyên quan tâm, chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; Đã tạo điều kiện, huy động mọi nguồn lực, thực hiện tốt các chính sách kinh tế của Nhà nước để phát triển; Nhờ đó cuộc sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao. Mặt khác, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn cũng luôn đoàn kết, sống hòa thuận, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển trong cộng đồng các khu dân cư; Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Trong thời gian tới, huyện Thạch An tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần xóm, xã đặc biệt khó khăn; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng./.
Trọng Nghĩa