Huyện Cao Lộc: Phát triển kinh tế cửa khẩu

|

Huyện Cao Lộc: Phát triển kinh tế cửa khẩu

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng

Xác định kết cấu hạ tầng là tiền đề cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cao Lộc đã tập trung tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn như chương trình 135, chương trình xây dựng cơ bản tập trung, chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng sự đóng góp của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp trên địa bàn... để tập trung phát triển giao thông nông thôn, xây dựng trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điện... Kết quả, 23/23 số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm đi lại được 4 mùa, 194/205 thôn bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, 21/21 xã có điện lưới quốc gia, 98% hộ nông thôn được sử dụng điện, 100% số xã có trụ sở làm việc khang trang, 100% trường học được kiên cố và cơ bản được bố trí xây dựng các phòng học chức năng phục vụ dạy và học; các trạm y tế được xây dựng kiên cố...

 
 
Nguyễn Duy Anh Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc
 
Song song với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, trong năm 2019, trên địa bàn Cao Lộc còn đang triển khai nhiều dự án giao thông, dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư và các dự án trọng điểm của Tỉnh. Nổi bật, dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án Khu trung chuyển hàng hóa, dự án Khu chế xuất 1, dự án Cụm Công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2
và Khu tái định cư Hợp Thành... Các dự án này đều có quy mô lớn và cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng với nhiều hộ dân. Để góp phần đẩy nhanh thực hiện các dự án này, tập thể lãnh đạo UBND huyện đã có sự phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách từng dự án. Người được giao phụ trách phải bám sát và hiểu rõ bản chất nội dung vướng mắc của từng dự án để từ đó có giải pháp giải quyết hợp lý. Đối với những nội dung vướng mắc vượt ngoài thẩm quyền giải quyết của huyện, ngay lập tức phải tham vấn các sở, ngành của tỉnh về cách thức, hướng giải quyết, từ đó, xây dựng văn bản báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo. Đến nay, huyện Cao Lộc đã thực hiện xong công tác GPMB cho 7 dự án lớn, bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư được 38 ha đất sạch, trong đó 2 dự án trọng điểm là đường Hữu Nghị - Bảo Lâm và dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh 700 giường.

Phát triển thương mại - dịch vụ dựa vào thế mạnh cửa khẩu

Với các dự án quan trọng về giao thông đang được triển khai (tạo ra sự kết nối liên hoàn giữa khu vực cửa khẩu với các huyện, thành phố và trung tâm kinh tế lớn), Cao Lộc vẫn xác định thương mại, dịch vụ sẽ tiếp tục đóng vai trò ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế địa phương. Bám sát chủ trương về phát triển ngành logicstics của tỉnh (với dự án khu trung chuyển hàng hóa), UBND huyện xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm, trong đó tiếp tục dành quỹ đất thuận lợi tại khu đô thị, khu dân cư để phát triển dịch vụ, thương mại. Đồng thời, Huyện sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

Song song các giải pháp thu hút đầu tư, huyện Cao Lộc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại dịch vụ như trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận thị trường, hỗ trợ thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hóa, phát triển thương mại điện tử... Nhờ vậy, “bức tranh” ngành thương mại - dịch vụ của huyện Cao Lộc tiếp tục có nhiều khởi sắc. Thị trường hàng hóa, dịch vụ cơ bản ổn định và phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 đạt trên 1.581 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 26,83% trong cơ cấu kinh tế).

Thương mại dịch vụ phát triển ngày càng sôi động đã tạo điều kiện để các ngành khác như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái hay công nghiệp phụ trợ mở rộng thị trường, phát triển khách hàng mới, từ đó tăng trưởng nhanh và bền vững hơn. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng, Huyện chú trọng xây dựng thương hiệu và tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh. Đến nay, Huyện đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Rau Cao Lộc“, “Chanh rừng Mẫu Sơn“ Lạng Sơn. Nhờ sự tăng trưởng của các ngành kinh tế quan trọng, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn hoàn thành. Kết thúc năm 2019, Huyện đạt số thu ngân sách là 494 tỷ đồng, bằng 123,95% dự toán tỉnh giao, tăng 7,57% so với cùng kỳ.

Song song với phát triển kinh tế, Huyện Cao Lộc tập trung các nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chính sách dân tộc, nhằm chăm lo và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 10,54%, giảm 5,36% so với năm 2018 (tương đương 956 hộ). Đặc biệt, trong năm 2019, trong điều kiện nguồn lực có hạn của địa phương nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, Huyện đã hoàn thành xây dựng nhà Chữ thập đỏ cho 41 hộ gia đình với tổng giá trị 6,18 tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm là 2,58 tỷ đồng, đối ứng của các hộ gia đình là 3,6 tỷ đồng...

 
Nguyễn Duy Anh
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc