Trung tâm y tế huyện Bảo Thắng: Với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân

|

Trung tâm y tế huyện Bảo Thắng: Với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân

Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, có diện tích trên 68 nghìn ha; với 15 đơn vị hành chính, bao gồm 12 xã và 3 thị trấn. Trong đó, có 05 xã vùng III, 01 xã biên giới với 260 thôn, tổ dân phố. Toàn huyện có 28,64 nghìn hộ với gần 113 nghìn nhân khẩu, 20 dân tộc sinh sống. Trong đó, người Kinh chiếm 62,8%, dân tộc thiểu số chủ yếu là người Dao chiếm 12,9%, người Hmông chiếm 8,2%, còn lại là các dân tộc khác.
 
Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng cho biết: Những năm qua, Trung tâm gặp không ít khó khăn về điều kiện làm việc, tiếp quản từ trụ sở làm việc cũ của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, nhưng do được xây dựng và đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước nên cơ sở làm việc của Trung tâm đã xuống cấp; Một số Trạm Y tế xã được xây dựng từ những năm 2005, 2006 như: Trạm Y tế xã Thái Niên, Phú Nhuận, Gia Phú… cũng đã xuống cấp, trang thiết bị y tế rất lạc hậu cần tiếp tục được quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp; Mặt khác, Trung tâm quản lý trên một địa bàn rộng, dân số đông, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao, có nhiều biến động về nhân lực, tổ chức… Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn của ngành Y tế, vượt qua mọi khó khăn, Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn đều có trạm y tế hoạt động, trong đó 67% số xã có bác sỹ và các xã còn lại đều có bác sỹ tăng cường xuống cơ sở. 100% số thôn, khu dân phố có nhân viên y tế thôn bản…
 

Trạm y tế xã chăm sóc vườn thuốc nam
 
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp đó là: Trung tâm đã thành lập đội chống dịch cơ động, thường xuyên bám sát địa bàn, chủ động tuyên truyền cho người dân cách ăn, ở hợp vệ sinh và cách phòng chống các loại dịch bệnh, cũng như vận động người dân khi có bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để bác sỹ thăm khám và điều trị. Cùng với đó, thông qua các chương trình, dự án, Trung tâm đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư thêm trang thiết bị, vật tư y tế, bổ sung thêm các loại thuốc men, hóa chất cho đơn vị và các trạm y tế xã, thị trấn, quyết tâm không để xảy ra ổ dịch lớn trên địa bàn. Đặc biệt, Trung tâm liên tục tạo điều kiện bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sỹ; tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng được trung tâm triển khai định kỳ trong nhiều năm liền ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ vậy, năm 2018, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm và uống đủ 8 loại vắc xin đạt 95% KH; tỷ lệ tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 94,1% KH; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng chiếm 12,47%, giảm 1,17% so với năm 2017; kiến thức phòng chống các bệnh lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe được cải thiện đáng kể; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra chất lượng VSATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng tại khu Trung tâm huyện lỵ và các xã có chợ. Trong năm không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Đặc biệt, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các trạm y tế xã, thị trấn đạt tỷ lệ cao…

Những kết quả đó, đã chứng minh sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ y tế nơi đây, vượt qua mọi khó khăn, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân các dân tộc trên địa bàn./.

 
P.V