Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm

|

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm

Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới năm 2024 được cải thiện đáng kể nhưng vẫn duy trì nhịp tăng trưởng chậm, nhu cầu giao dịch hàng hóa trong năm 2024 tăng trở lại. Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường làm cho giá đôla Mỹ, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh.

Trong nước, những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế nên những biến động của tình hình thế giới tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta cũng như tình hình SXKD của doanh nghiệp. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận nhiều kết quả tích cực: GDP ước tăng 6,42%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước tăng 6,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Nhiều tín hiệu tích cực đối với khu vực doanh nghiệp (khu vực chiếm trên 60% GDP) cả về số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và doanh nghiệp đang tham gia SXKD

Một là, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 119.612 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 và cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm là 108,4%, cao hơn rất nhiều so sánh với quý I/2024 (chỉ đạt 80,9%).

Hai là, trong 110.316 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm, phần lớn là doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 64,7%); số doanh nghiệp giải thể và chờ làm thủ tục giải thể chỉ chiếm 35,3% và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 88,7%). Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tập trung chủ yếu trong tháng 1/2024 (53,9 nghìn doanh nghiệp) và xu hướng được cải thiện một cách rõ rệt trong các tháng tiếp theo, với số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bình quân mỗi tháng là 18,4 nghìn doanh nghiệp.

Ba là, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở ngưỡng trên 50 điểm trong 4/5 tháng đầu năm, thể hiện sản xuất trong nước được mở rộng. Theo báo cáo khảo sát chuyên đề của TCTK thực hiện trong tháng 6/2024, có 73,5% DN đánh giá hoạt động SXKD quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024 (25,9% tốt hơn và 47,6% giữ ổn định).

Bốn là, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 8,5%; chỉ số tiêu thụ tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất); tỷ lệ tồn kho bình quân 6 tháng đầu năm là 76,9%, giảm mạnh so với cùng kỳ (83,1%). Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất có số lượng đơn hàng mới quý II/2024 tăng lên so với quý trước và dự kiến tiếp tục có xu hướng tăng cao hơn trong quý III/2024.

Tuy nhiên, hoạt động SXKD của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, cụ thể: Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 110.316 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2024 là 1.537.122 tỷ đồng (giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023). Vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp có xu hướng giảm so với giai đoạn trước đây, giai đoạn 2017-2022 vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp cao hơn 10 tỷ đồng, năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành vẫn gặp khó khăn hoặc dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét, thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất ô tô và xe có động cơ giảm 5,5%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 3%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia giảm 3,9%.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trogn 6 tháng cuối năm

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là về các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, các dự án đường bộ cao tốc, hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, góp phần mở rộng, khai thác các không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics.

- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Tiếp tục rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và 30 nghìn tỷ đồng cho nông lâm thủy sản.

- Tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

- Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

- Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, cụ thể:

Về đầu tư, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường vận động, thu hút FDI, ODA thế hệ mới, tài chính xanh thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế đối với hạ tầng chiến lược.

Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (UAE, châu Phi, Mỹ La tinh, thị trường Halal…); thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết và thúc đẩy ký kết các FTA mới; thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê,...; chủ động phương án xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục, cung cấp hồ sơ, thông tin đáp ứng các quy định mới của nước đối tác.

Về tiêu dùng, đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, các chương trình bình ổn thị trường, xúc tiến nông sản, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa hàng Việt về nông thôn...; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; kịp thời điều tra, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định.

- Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới: (1) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng KTXH; (3) Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực; (4) Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; (5) Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Hydrogen; (6) Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

- Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu

Về công nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, trong đó: (i) Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; (ii) Đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; (iii) Đẩy mạnh sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tận dụng, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký để thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Về nông nghiệp, thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến nông sản; (ii) Tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; (iii) Khẩn trương khắc phục "thẻ vàng" (IUU).

Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; (ii) Đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm; (iii) Tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống tại các điểm du lịch.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với đổi mới sáng tạo, tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong khu vực công nhằm tiết giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp./.

Phí Thị Hương Nga
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK