Phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng thiết yếu của quốc gia

|

Phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng thiết yếu của quốc gia

Phát triển mạng bưu chính một cách đồng bộ, hiện đại để gắn kết giữa thế giới thực và không gian số, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số được xác định là một trong bốn hợp phần quan trọng của hạ tầng thông tin và truyền thông, được Chính phủ ưu tiên và dành chính sách phát triển.

 
Khẳng định vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế số
 
Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) toàn dân, toàn diện đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm tới 16,5% trong tổng sản phẩm (GDP); trong đó, hệ thống bưu chính Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh mẽ với sự bùng nổ của thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế số. Mạng bưu chính ngày càng giữ vai trò quan trọng, đảm bảo sự ổn định, liền mạch của dòng chảy hàng hóa và dần trở thành hạ tầng quan trọng của kinh tế số cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
 

Bưu chính Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế

 
Theo Xếp hạng Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) năm 2023 của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Bưu chính Việt Nam thăng 1 hạng từ nhóm 5 năm 2022 lên nhóm 6 trên tổng số 10 nhóm (nhóm 10 là nhóm có cấp bậc cao nhất) và tăng 4,5 điểm so với năm 2022. Việc nâng cao thứ hạng 2IPD đã cho thấy thành quả đến từ hoạt động kiện toàn tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường của ngành Bưu chính Việt Nam.
 
Chỉ trong vòng 5 năm (2018-2022), số lượng doanh nghiệp bưu chính đã tăng nhanh từ con số 410 lên hơn 800 doanh nghiệp. Thị trường bưu chính Việt Nam hiện đang trở thành mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia khai thác thị trường và tìm kiếm lợi nhuận. Sản lượng bưu chính năm 2023 ước đạt 2,5 tỷ bưu gửi, tăng 32,3% so với năm 2022; có 17,5 triệu lượt tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đáng nói là, 100% sản phẩm OCOP cung cấp trên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu đều được truy xuất nguồn gốc. Bưu chính Việt Nam đã khẳng định được uy tín, nhận được sự tín nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, sản lượng bưu gửi vận chuyển và phát thư, gói, kiện tài liệu; tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước qua mạng bưu chính (KT1) phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ước đạt 3,96 triệu bưu gửi, tăng khoảng 7,8% so với cùng kỳ năm 2022 (3,67 triệu bưu gửi).
 
Giai đoạn 2020-2023, doanh thu Bưu chính Việt Nam tăng mạnh, từ 36,95 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên 58,9 nghìn tỷ đồng năm 2023, tăng 9,3% so với năm 2022. Theo dự báo, doanh thu lĩnh vực bưu chính dự kiến sẽ đạt 64,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 và gần gấp đôi năm 2020 với 71 nghìn tỷ đồng vào năm 2025. Theo đó, lĩnh vực Bưu chính đóng góp vào ngân sách nhà nước 5,7 nghìn tỷ đồng năm 2023, tăng 0,5% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch của năm. Dự kiến đến năm 2025, lĩnh vực bưu chính có thể đóng góp vào ngân sách nhà nước 6,8 nghìn tỷ đồng.
 
Trong sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử với vai trò trụ cột của kinh tế số không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng của mạng bưu chính. Trong tổng số 58,9 nghìn tỷ đồng doanh thu của thị trường bưu chính Việt Nam năm 2023, ước tính doanh thu dịch vụ gói, kiện hàng thương mại điện tử đạt hơn 38.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 64%; sản lượng gói, kiện thương mại điện tử là 1,84 tỷ trên tổng số 2,5 tỷ kiện hàng, chiếm khoảng 75%. Với sự xuất hiện của thương mại điện tử, doanh thu, sản lượng dịch vụ bưu chính tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2019-2023 (trung bình trên 20%/năm). Doanh thu, sản lượng dịch vụ gói, kiện tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dịch vụ bưu chính (khoảng 1,5 lần), đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong dịch vụ bưu chính (khoảng 76%) và đang có xu hướng tiếp tục tăng (năm 2023 ước khoảng trên 90%). Thống kê cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp bưu chính trong top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất đều là các doanh nghiệp đang tham gia vận chuyển hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử. Qua đó có thể thấy vai trò động lực thúc đẩy qua lại giữa mạng bưu chính Việt Nam và thương mại điện tử nói riêng, phát triển kinh tế số nói chung; trong đó, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, chủ yếu trong sự tăng trưởng của doanh thu dịch vụ bưu chính.

Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia


Xác định vai trò quan trọng của lĩnh vực bưu chính trong bức tranh tổng thể chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đất nước, Việt Nam đã dành nhiều chính sách ưu tiên, tạo động lực thúc đẩy phát triển, trong đó phải kể đến Chiến lược phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).
 
Chiến lược xác định một trong các quan điểm, phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia. Hạ tầng bưu chính được sử dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bưu chính và các sản phẩm, dịch vụ khác; tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp, trong đó lấy mạng bưu chính công cộng làm nòng cốt. Phát triển lĩnh vực bưu chính một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại và huy động tối đa các nguồn lực xã hội. Xây dựng, phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng bảo đảm tính gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu, trong đó lấy nền tảng số làm giải pháp đột phá. Đồng thời, phát triển bưu chính theo hướng mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; khai thác tốt thị trường trong nước từ đó vươn ra thị trường quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bưu chính. Doanh nghiệp bưu chính phát triển theo hướng thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Bảo đảm mọi người dân trên cả nước đều có quyền được tiếp cận và sử dụng dịch vụ bưu chính phổ cập thường xuyên, ổn định, với chất lượng và giá cước hợp lý. Minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh; tạo điều kiện để doanh nghiệp bưu chính thuộc các thành phần kinh tế phát triển.
 
Mục tiêu đến năm 2025, thị trường bưu chính có tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử đạt tối thiểu 30%; tối thiểu 50 bưu gửi/đầu người/năm; số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính xấp xỉ 3,7 nghìn người; phát triển tối thiểu 3 doanh nghiệp bưu chính lớn dẫn dắt thị trường. Phát triển hạ tầng bưu chính bao gồm: Hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu; trong đó: Mạng lưới bưu chính có 27 nghìn điểm phục vụ; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ và có kết nối Internet; 100% hộ gia đình có Địa chỉ số; 100% doanh nghiệp bưu chính thực hiện báo cáo trực tuyến… Bưu chính Việt Nam tham gia thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số nông nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính công ích của người dân; nâng cao thứ hạng quốc gia, đưa Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu theo đánh giá xếp hạng của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).
 
Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam có một bản quy hoạch tổng thể hạ tầng TT&TT, với định hướng phát triển thành hạ tầng thế hệ mới, đồng bộ các hợp phần, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương. Trong đó, quy hoạch theo hướng mở rộng, đưa mạng bưu chính thành hạ tầng thiết yếu của kinh tế số Việt Nam là một trong bốn hợp phần quan trọng của Quy hoạch này. Định hướng phát triển mạng bưu chính đồng bộ, hiện đại, gắn kết giữa thế giới thực và thế giới số, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số. Đồng thời, quy hoạch mạng bưu chính có tính dự phòng nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng toàn vẹn, không đứt gãy trong mọi trường hợp khẩn cấp.
 
Phát triển mạng bưu chính đến năm 2025, bên cạnh các yêu cầu đặt ra trong Chiến lược, Quy hoạch đặt yêu cầu: Hình thành mạng bưu chính công cộng cấp quốc gia gồm các Trung tâm Bưu chính khu vực (MegaHub) và Trung tâm Bưu chính vùng (Hub); kết nối các Trung tâm Bưu chính khu vực và giữa các Trung tâm Bưu chính khu vực đến Trung tâm Bưu chính vùng; chú trọng thúc đẩy, định hướng chia sẻ hạ tầng mạng bưu chính công cộng với các doanh nghiệp bưu chính; tổng năng lực khai thác phục vụ của mạng bưu chính đạt trên 93.000 tấn bưu gửi/ngày, thời gian giao hàng liên tỉnh và quốc tế (phần xử lý giữa các trung tâm) tối đa 5 ngày, thời gian giao hàng nội vùng tối đa 2 ngày. Hình thành 3 Trung tâm Bưu chính khu vực trên cả nước bảo đảm năng lực khai thác bình quân đạt trên 11.000 tấn bưu gửi/ngày; phạm vi phục vụ bình quân 350 km. Hình thành 14 Trung tâm Bưu chính vùng trên cả nước bảo đảm năng lực khai thác bình quân trên 4.500 tấn bưu gửi/ngày; phạm vi phục vụ bình quân 115 km.
 
Yêu cầu phát triển đến năm 2030: Xây dựng 3 - 5 Trung tâm Bưu chính khu vực trên cả nước, năng lực khai thác bình quân của Trung tâm Bưu chính đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày; Căn cứ theo nhu cầu phát triển, xây dựng mới các Trung tâm Bưu chính vùng theo Quy hoạch, nâng cấp từ 1 - 2 Trung tâm Bưu chính vùng trở thành Trung tâm Bưu chính khu vực; Các Trung tâm Bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày.
 
Phương án phát triển đối với mạng bưu chính công cộng gồm các Trung tâm Bưu chính khu vực và các Trung tâm Bưu chính vùng; Quy hoạch mạng bưu chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm bán kính phục vụ bình quân của mạng bưu chính công cộng tối đa 3 km/điểm phục vụ; 100% xã có điểm phục vụ có người phục vụ. Đối với mạng bưu chính KT1, hiện đại hóa, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh cho mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; đồng thời triển khai phương án chuyển phát trong tình huống khẩn cấp theo quy định của pháp luật./.

2IPD do Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) đưa ra nhằm đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động Bưu chính của các quốc gia dựa trên đánh giá điểm hiệu suất chuẩn (từ cấp độ 1 đến cấp độ 10) theo 4 tiêu chí của sự phát triển Bưu chính: Độ tin cậy, khả năng tiếp cận, tính phù hợp và khả năng phục hồi.
 
Chỉ số 2IPD cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển Bưu chính trên toàn cầu. Việc tính toán 2IPD bắt nguồn từ tích hợp dữ liệu lớn Bưu chính, số liệu thống kê và các cuộc khảo sát chính của UPU. Sự phong phú của quá trình hợp nhất dữ liệu làm cho 2IPD trở thành phép đo toàn diện nhất đối với các dịch vụ Bưu chính trên quy mô toàn cầu. Ngoài việc tiết lộ hiệu suất tương đối của các nhà khai thác Bưu chính trên toàn thế giới, 2IPD làm sáng tỏ cách thúc đẩy sự phát triển Bưu chính và tối đa hóa hiệu quả của cơ sở hạ tầng Bưu chính.
Minh Huyền