Tại Hậu Giang, doanh thu các ngành Thương mại và Dịch vụ trong tháng 01/2024 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định so với tháng trước. Tết Nguyên đán Giáp Thìn bắt đầu nhộn nhịp vào cuối tháng 01/2024 (năm 2023 diễn ra trọn tháng 01), do đó các hoạt động mua bán giao thương hàng hóa trên địa bàn tỉnh được dự báo sẽ bắt đầu diễn ra sôi động, các cơ sở kinh doanh có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng cùng với sự điều tiết của các ngành chức năng hàng hóa được cung ứng dồi dào đảm bảo không thiếu hàng và thực hiện bình ổn giá đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua sắm Tết của người dân. Vì vậy, ước tháng 01/2024 doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ khác tại Hậu Giang sẽ tiếp tục tăng so với tháng trước, ước thực hiện được 4.848,55 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 6,96%. Chia ra:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 3.546,92 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,34% và so với cùng kỳ tăng 5,16%. Đóng góp vào mức tăng chung của hoạt động bán lẻ chủ yếu là các nhóm hàng lương thực - thực phẩm tăng 4,18% (dù mức tăng không cao nhưng do chiếm tỷ trọng cao nên đóng góp đáng kể vào mức tăng chung khoảng 2,24 điểm phần trăm); vật phẩm văn hóa và giáo dục tăng 15,78%; xăng dầu tăng 32,96%; vàng bạc đá quý tăng 6,62% (những tháng cuối năm có mức biến động tăng giá mạnh và giao dịch diễn ra sôi động). Thời điểm cận tết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của ngành bán lẻ được người dân mua sắm tăng cao so với những tháng bình thường, đặc biệt là các nhóm hàng lương thực, thực phẩm (các mặt hàng bánh kẹo, mứt, bột, đường,…), các đồ dùng trang thiết bị gia đình, mặt hàng xăng dầu (nhu cầu đi lại trong những ngày giáp Tết có xu hướng tăng), vàng bạc, đá quý cùng một số loại hàng hóa khác.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành thực hiện được 601,73 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 100,56% và so với cùng kỳ năm trước tăng 15,10%. Trong đó:
+ Ngành lưu trú ước tính được 25,06 tỷ đồng, so tháng trước bằng 92,25% và so với cùng kỳ tăng 37,83%. Doanh thu dịch vụ lưu trú giảm nhiều do số lượng khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ đã giảm nhiều sau khi kết thúc các chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập diễn ra vào tháng trước.
+ Ngành ăn uống ước tính được 576,67 tỷ đồng, so tháng trước bằng 100,95% và so cùng kỳ năm trước tăng 14,28%. Hoạt động dịch vụ ăn uống trong tháng được dự ước sẽ có mức tăng nhẹ so với tháng trước do nhu cầu ăn uống vui chơi của người dân trong những ngày gần cuối năm sẽ gia tăng.
- Doanh thu các ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) thực hiện được 699,90 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 10,05% và so với cùng kỳ năm trước tăng 9,82%. Nguyên nhân giảm so với tháng trước do hoạt động xổ số (chiếm tỷ trọng khoảng 47% tổng doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng) giảm gần 20% giá trị.