“Sống khỏe” nhờ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Tiền Giang

|

NDO - Thời gian qua, rất nhiều nông sản tiêu thụ chậm, thậm chí khó tiêu thụ trong thời điểm dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi liên kết ở Tiền Giang đã giúp nhiều nông dân “sống khỏe” giữa thời dịch hoành hành.

Hiện, nông dân tỉnh Tiền Giang đang thu hoạch rộ vụ lúa hè thu 2021. Do dịch phức tạp, đang thực hiện giãn cách xã hội nên thương lái thu mua rất ít, khiến giá lúa trên thị trường cũng giảm theo. Tuy vậy, với những nông dân đã liên kết với doanh nghiệp (DN) canh tác theo chuỗi giá trị vẫn “sống khỏe” do được thu mua toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch.

Ông Mai Đức Thắng, nông dân xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) liên kết 2ha lúa sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty TNHH Thương mại HK theo cách DN cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ kỹ thuật; nông dân canh tác đúng quy trình mà DN đã đưa ra. Trước thu hoạch 5 ngày, DN cùng nông dân thỏa thuận giá theo thị trường và người trồng lúa được thêm 200 đồng/kg.

Trong hai ngày 9 và 10/8, Công ty cho máy đến thu hoạch và mua lúa của gia đình ông Thắng với giá 6.700 đồng/kg (cao hơn giá trị trường 200 đồng/kg). Ông Thắng cho biết: “Việc liên kết này giúp nông dân khỏe lắm. Đến ngày thu hoạch, chúng tôi chỉ cử một người đem bao chứa lúa cho máy thu hoạch, ghi lượng lúa khi cân và thu tiền về”…

 Người lao động của HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới đóng gói rau xanh.

Nhiều năm qua, Công ty TNHH Thương mại HK ở TP Mỹ Tho (Tiền Gang) luôn đồng hành với người trồng lúa tại các huyện, thị xã phía đông của tỉnh để tạo ra sản phẩm gạo đạt chất lượng cao cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong vụ hè thu này, DN hợp đồng liên kết với các hợp tác xã (HTX) sản xuất 375 ha lúa. Giá thu mua lúa cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg, tùy thời gian liên kết.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK, cho biết: “DN cam kết mua hết lượng lúa trong hợp đồng liên kết. Những nông dân ngoài hợp đồng khó khăn về đầu ra cũng được cán bộ kỹ thuật thẩm định trước khi thu hoạch và tiến hành thu mua”.

Ghi nhận trong ngày 10/8, giá bán lúa tươi tại ruộng dao động từ 5.200-6.800 đồng/kg (tùy giống); với giống lúa thơm đặc sản lên đến 7.100 đồng/kg. “Theo hợp đồng, DN thu mua cao hơn thị trường 100-200 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Nếu đồng ý, trong vòng 7 ngày, DN sẽ tiến hành thu mua theo thỏa thuận giữa nông dân và DN. Trong trường hợp nông dân không đồng ý, chúng tôi vẫn hỗ trợ 300.000 đồng/ha”, ông Châu Minh Hải cho biết thêm…

Hằng năm, HTX này ký hợp đồng cố định với các đối tác như Vinmart, Bách hóa xanh, Coopmart, Lotte, Vissan (TP Hồ Chí Minh) và các DN chế biến suất ăn công nghiệp, mỗi ngày cung ứng khoảng 10 tấn rau, củ các loại. Ông Võ Minh Luân, Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới cho biết, toàn HTX có 107 xã viên, canh tác khoảng 100 ha rau ăn lá và bầu, bí... HTX thu mua của xã viên và bà con nông dân luôn cao hơn thị trường từ 100-300 đồng/kg. Trong thời điểm xảy ra dịch, HTX đã khắc phục khó khăn, tăng công suất thu hoạch toàn bộ sản phẩm cho xã viên và đáp ứng nhu cầu của đối tác.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, xã viên HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới, chia sẻ: “Từ khi tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn sản xuất theo quy trình an toàn, hỗ trợ xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động nên sản phẩm có giá trị cao hơn thị trường hơn 1.000 đồng/kg và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm”…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, trong đợt dịch Covid-19, việc liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và DN đã phát huy rất tốt hiệu quả. Nổi bật nhất là sản xuất, tiêu thụ rau, màu và lúa gạo; riêng các loại trái cây có gặp khó khăn do nhu cầu thị trường giảm và việc xuất khẩu cũng gặp nhiều rào cản do dịch.

Hiện, tỉnh Tiền Giang đã hình thành gần 95 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 80 mô hình với diện tích hơn 13.000 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn, giá trị mỗi năm hơn 600 tỷ đồng. Lĩnh vực chăn nuôi hình thành 10 mô hình, quy mô 1,2 triệu con, giá trị hơn 37 tỷ đồng mỗi năm. Lĩnh vực thủy sản có 5 mô hình, diện tích khoảng 280 ha, sản lượng hơn 4.000 tấn...

Tỉnh Tiền Giang tiếp tục định hướng các DN, hợp tác xã duy trì các hợp đồng liên kết tiêu thụ hiện có, đồng thời tìm kiếm thêm đối tác mới. Riêng các hợp tác xã chưa xây dựng được liên kết chuỗi ổn định, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ từng bước hỗ trợ xây dựng, tìm kiếm đối tác để có hợp đồng lâu dài, ổn định và bền vững.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép