Dự án đường vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 thủ đô Hà Nội: Tính kỹ phạm vi, mức độ cơ chế đặc thù

|

Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 thủ đô Hà Nội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chiều nay 12-5. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Lo gánh nặng nợ công

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM dự kiến có quy mô khoảng 76,3 km, 4 làn xe cao tốc hạn chế; tốc độ thiết kế 80km/giờ với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m.

Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 14.322 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí 7.361 tỷ đồng, ngân sách TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí 6.961 tỷ đồng. Chính phủ dự kiến năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.

Để triển khai dự án, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về huy động nguồn vốn, thu hồi vốn đầu tư, cơ chế chỉ định thầu…

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về tính cấp bách và khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công để triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công…

“Tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án cao tốc phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài để gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương, tránh ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành dự án”, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý thêm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cân nhắc kỹ đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ để cho địa phương vay đầu tư dự án giai đoạn 2024 - 2025
Về cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết có cơ chế, chính sách đặc biệt phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhưng nhấn mạnh, cần tránh áp dụng quá nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, ảnh hưởng đến tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và tính tuân thủ các quy định pháp luật.
Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra chưa đồng ý với đề xuất “cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện dự án”. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng quan ngại về đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư dự án giai đoạn 2024 - 2025.

“Theo tính toán, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để cho các địa phương vay lại chưa dẫn đến dư nợ công vượt mức trần cho phép, tuy nhiên mức phát hành thêm này sẽ làm tăng mức vay nợ của Chính phủ ngoài phạm vi đã được Quốc hội quyết định”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phân tích. Hơn nữa, theo người đứng đầu Ủy ban Kinh tế, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân sách…

Đáng lưu ý, về đề xuất thu phí sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng để thu hồi vốn đầu tư, tuy nhất trí về nguyên tắc, song cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, phân chia lại các dự án thành phần và tỷ lệ, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

“Đối với đề xuất giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của các dự án thành phần, trường hợp Quốc hội ủy quyền thì đề nghị chỉ ủy quyền một cấp là UBTVQH xem xét, quyết định”, ông Vũ Hồng Thanh nói rõ.

Về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội theo hình thức kết hợp giữa đầu tư công và kết hợp đầu tư công – tư, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, theo quy định của pháp luật hiện hành chỉ có dự án đầu tư công áp dụng theo Luật Đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chưa có quy định việc áp dụng kết hợp các hình thức đầu tư nêu tại Tờ trình. Do đó, cần làm rõ một số vấn đề như dự án sau khi kết thúc hợp đồng BOT có tiếp tục triển khai thu phí hay không? Trường hợp tiếp tục triển khai thu phí thì phương án hoàn trả vốn như thế nào; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu ra sao…

Còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Góp ý về 2 dự án nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu giải trình rõ kế hoạch bố trí vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án. “Công tác chuẩn bị đã hết nửa năm 2022, chỉ còn 3,5 năm thôi, thì thời hạn cơ bản hoàn thành vào năm 2025 có khả thi không”, lãnh đạo Quốc hội nêu vấn đề và lưu ý thêm hiện còn nhiều dự án lớn khác đang triển khai, trong khi thời hạn của gói kích thích kinh tế chỉ còn có 2 năm...

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không nên áp dụng cơ chế chính sách đặc thù một cách tràn lan, vì như thế sẽ làm biến dạng môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế về phát hành trái phiếu, đồng chí Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: “Tại sao địa phương không làm mà đề xuất Chính phủ phát hành, trong khi Luật đã cho phép?”

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhận định, đây là hai dự án có ý nghĩa lớn, cần thiết triển khai sớm, nhưng phải xử lý tốt các vấn đề kỹ thuật về vốn.