Suất đầu tư đường cao tốc chênh lệch lớn, có \"đắt\" quá không?

|

Suất đầu tư dự án có quá cao hay không (suất đầu tư dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trung bình là 93 tỷ đồng/km, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là 165 tỷ đồng/km, còn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 208 tỷ đồng/km - PV) là băn khoăn của ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Mặt khác, vì sao suất đầu tư của 3 dự án chênh nhau quá lớn là vấn đề cần lý giải thuyết phục.\r\n

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, đầu tư 3 dự án là yêu cầu cấp bách

Chiều 10-5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc. Theo tờ trình của Chính phủ, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2km, quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/g. Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/g. Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7km, quy mô 4-6 làn xe với tốc độ thiết kế 100km/g. Về tiến độ thực hiện cả ba dự án đều dự kiến chuẩn bị năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Với tổng chiều dài khoảng 360km, sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án được Chính phủ tính toán là gần 85.000 tỷ đồng.

Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét vấn đề này tại phiên họp thứ 11 (tháng 5) và nếu đủ điều kiện sẽ trình ra kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khai mạc ngày 23-5 tới đây.

Cả 3 dự án đều được đầu tư công toàn bộ; đều đã được Chính phủ đề xuất trong danh mục dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (chương trình) và thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nghĩa là được áp dụng cơ chế chỉ định thầu có tiết kiệm 5% theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 43/2022/QH15. Vì thế, một phần vốn được lấy từ chính chương trình này, lần lượt là khoảng: 3.800 tỷ đồng, 2.320 tỷ đồng và 3.500 tỷ đồng.

Phần còn lại, ngoài nguồn vốn đã dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn cho các dự án còn được huy động từ ngân sách địa phương (nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và rà soát, cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Chính phủ khẳng định, toàn bộ nguồn vốn trong giai đoạn 2022-2025 đã được cân đối đầy đủ cho cả 3 dự án. Sau khi các dự án hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để hoàn trả số vốn ngân sách trung ương đã bố trí đầu tư theo quy định của pháp luật (tương tự như các dự án thành phần đầu tư công của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, đầu tư 3 dự án nói trên là yêu cầu cấp bách để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt vùng Tây Nguyên hiện nay chưa có tuyến cao tốc nào.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, cả 3 dự án đều dùng cả ngân sách trung ương và địa phương, trong đó tổng nguồn ngân sách địa phương là 8.358 tỷ đồng, chiếm 12%. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có duy nhất HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cam kết về vốn. “Nếu các tỉnh còn lại chỉ có UBND cam kết thì chưa đủ cơ sở pháp lý”, ông Toàn lưu ý và đề nghị các địa phương có dự án đi qua tính toán kỹ nguồn vốn, báo cáo HĐND quyết định.

ĐB Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế thì đề nghị cân nhắc việc chuyển sang đầu tư công dự án Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo ông, nên đầu tư theo dự án này theo phương thức đối tác công tư (PPP) vì khả năng thu hồi vốn cao; nhất là trong bối cảnh ”vốn ngân sách trung ương hạn hẹp, ngân sách địa phương thì còn nhiều nhiệm vụ quan trọng không kém gì dự án đường cao tốc”. ĐB Lộc cũng không đồng tình với nhận định của Chính phủ cho rằng nếu đầu tư công thì tiến độ hoàn thành dự án sẽ sớm hơn 1 năm. “Đó chỉ là cách nghĩ của Nhà nước, vì thực tế đã chứng minh nếu chọn được nhà đầu tư tư nhân có uy tín thì tiến độ công trình sẽ nhanh hơn Nhà nước thực hiện rất nhiều”, ĐB thẳng thắn phát biểu. ĐB Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và, ĐB Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế có cùng quan điểm.

Suất đầu tư dự án có quá cao hay không (suất đầu tư dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trung bình là 93 tỷ đồng/km, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là 165tỷ/km, còn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 208 tỷ đồng/km - PV) là băn khoăn của ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Mặt khác, vì sao suất đầu tư của 3 dự án chênh nhau quá lớn là vấn đề cần lý giải thuyết phục.