Phát triển công trình xanh

|

Tại hội thảo về phát triển công trình xanh (CTX) vừa được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNR) tổ chức tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Do đó, phát triển CTX là nỗ lực lớn của ngành xây dựng toàn cầu để giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu. \r\n

 

Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn còn quá ít CTX do chưa được hiểu đúng và đủ.
Tòa nhà xây dựng bằng vật liệu xanh giúp giảm tiêu tốn năng lượng khí vận hành.  Ảnh: HUY ANH
 Phát triển chậm 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam là nước chịu hậu quả nặng nề nhất. Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNR, cho biết báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc cho thấy, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu chiếm tới 90% là do con người gây ra, 10% do tự nhiên gây ra. Chính vì thế hành động của con người sẽ góp phần quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việc phát triển CTX sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với kinh tế, xã hội và môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động lên toàn cầu. Đối với thị trường bất động sản, nhiều nước trên thế giới cũng đã chứng minh việc ứng dụng phát triển kiến trúc xanh, xây dựng xanh để tạo ra những CTX sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. “Việc tạo lập thị trường bất động sản xanh đang là mục tiêu, định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam”, ông Nam nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, Việt Nam hiện có chưa đến 100 CTX đạt chuẩn phát triển ở các giai đoạn khác nhau, con số này quá thấp so với các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Trung Quốc... Trong đó, Singapore có đến hơn 2.100 CTX. Riêng tại TP lớn như TPHCM, lãnh đạo Sở Xây dựng TP cho biết, tính đến tháng 8-2017, trên địa bàn TP mới có 7 công trình đạt các chứng chỉ CTX, bao gồm: 3 công trình chung cư, 2 công trình văn phòng, 1 công trình trường học và 1 công trình công nghiệp. 

Lý giải Việt Nam hiện có quá ít CTX, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn chủ đầu tư, người mua nhà đang có cái nhìn và sự hiểu biết sai lệch về khái niệm CTX. Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Công ty Capital House, cho biết nhiều người chỉ đơn giản hiểu rằng CTX là có nhiều cây xanh, nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều yếu tố góp phần xanh hóa công trình. Để có CTX, ngoài diện tích cây xanh thì vật liệu cũng phải “xanh”, kỹ sư phải thiết kế hệ thống kỹ thuật công trình sử dụng được năng lượng xanh và sạch. Bên cạnh đó, một trong những rào cản không nhỏ trong việc “xanh hóa” các công trình tại Việt Nam là do nhiều chủ đầu tư nghĩ rằng, CTX là những tòa nhà hạng sang nên giá cả vô cùng đắt đỏ. Và để thực hiện được CTX thì chi phí “đội” hơn ít nhất 10% - 30% so với công trình thường. “Chính sự hiểu chưa đúng này nên CTX ở Việt Nam nói chung đang phát triển hết sức chậm, không tương xứng với tiềm năng của ngành xây dựng”, ông Bách nhận định. Đại diện Công ty Phúc Khang cũng đồng tình và cho rằng, việc phát triển CTX ở Việt Nam còn hạn chế là do nhận thức về lợi ích của CTX chưa đúng và đủ. Các chủ đầu tư dự án trong nước vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu hay quy trình chất lượng thực thi và giám sát chặt sẽ làm thời gian thi công kéo dài, dẫn đến việc giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, tâm lý nhiều người mua nhà vẫn có thói quen lấy giá bán làm tiêu chí quan trọng khi quyết định mua để ở hay đầu tư. Yếu tố lợi ích lâu dài như tiết kiệm chi phí hay tính bền vững của CTX ít được quan tâm.

Xu hướng phát triển bền vững

Tại đây, các chuyên gia trong ngành cũng đưa ra sự nghịch lý trong phát triển CTX tại Việt Nam, đó là hiện đa số các giải pháp CTX mới chỉ được áp dụng tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp, nơi khách hàng sẵn sàng chi cao hơn để có được chất lượng sống tốt hơn. Về việc này, một số DN bất động sản cũng nhìn nhận, đầu tư CTX đòi hỏi suất đầu tư cao hơn; vì vậy, trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình rất hiếm chủ đầu tư quan tâm tới vấn đề này, mặc dù đây là phân khúc nhà tiêu tốn nhiều năng lượng và ảnh hưởng tới môi trường nhiều nhất. Trong khi đó, khả năng chi trả của người dân sống trong các chung cư phân khúc này lại hạn chế hơn so với nhà cao cấp. 

Về lợi ích của CTX, bà Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng đoàn tư vấn của chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, cho biết lợi ích rõ ràng nhất của CTX là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng. Từ thực tế kinh nghiệm thực hiện CTX, đại diện Công ty Capital House cũng cho rằng, chi phí đầu tư tăng thêm tối đa chỉ ở mức 5% nhưng lợi ích mang lại rất lớn; đó là giảm được tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, đem lại lợi ích cho người dân. Chính vì thế, xu thế phát triển CTX trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là nhu cầu bức thiết tại Việt Nam hiện nay. Nhiều ý kiến đồng tình với những lợi ích thấy rõ, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, năng lượng ngày càng cạn kiệt nên trong tương lai gần, việc phát triển CTX là xu hướng tất yếu mà các chủ đầu tư phải thực hiện. Tuy nhiên, để nhanh chóng phát triển CTX; đặc biệt là CTX trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình, các DN kiến nghị cơ quan Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi đa dạng để khuyến khích DN tham gia. 

Về việc này, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận, việc phát triển CTX tại Việt Nam còn khiêm tốn có nguyên nhân do các chính sách ưu tiên, ưu đãi chưa đa dạng để thu hút sự quan tâm của chủ đầu tư. Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, phát triển CTX là một trong những nội dung ưu tiên cao, xuyên suốt; là cơ hội đầu tư tiềm năng, đồng thời mở ra các cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi Chính phủ quy định dành cho các dự án đóng góp tăng trưởng xanh. Tuy nhiên hiện nay thị trường vật liệu và công nghệ CTX còn hạn chế; việc tiếp nhận các công nghệ mới để thực hiện CTX cũng còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, các công cụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về CTX, tiết kiệm năng lượng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được triển khai sâu rộng nên không ít các công trình xây dựng xong rồi mới quan tâm đến môi trường. Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng tiêu chí để đánh giá CTX, trong đó xác định rõ các tuyến nội dung của CTX phải gắn với thích ứng biến đổi khí hậu.