Thị trường Ba Lan: Cửa ngõ quan trọng đưa hàng Việt vào EU

|

Ngày 28-1, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức hội thảo “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu thông qua cửa ngõ Ba Lan” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) có thêm thông tin, kinh nghiệm để tăng lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này.\r\n

Xuất khẩu hàng Việt vào Ba Lan tăng 18,4%

Theo ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, Ba Lan là một thị trường quan trọng và năng động nằm ở trung tâm của Trung Âu. Ba Lan có dân số đông, lực lượng lao động trẻ và trình độ tay nghề cao, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thân thiện, triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và vị trí thuận lợi cho phép tiếp cận với thị trường 500 triệu dân của Liên minh châu Âu (EU). Với hơn 38 triệu dân, Ba Lan là thị trường lớn nhất trong số các quốc gia thành viên mới của EU và lớn thứ 6 trong EU. Gia nhập EU năm 2004 đã giúp Ba Lan sớm có những cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP năm 2019 của Ba Lan vào khoảng 595,858 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 10 trong EU. Kinh tế Ba Lan duy trì tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hơn 4% mỗi năm giai đoạn 2014-2019. Năm 2019, GDP của Ba Lan tăng trưởng 4,1%. Động lực chủ yếu đến từ nhu cầu nội địa tăng mạnh, được hỗ trợ bởi niềm tin người tiêu dùng tăng cao và thị trường lao động sôi động, tiêu dùng cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, GDP của nước này được dự báo giảm 4,25% và sẽ bật tăng trở lại 4% vào năm 2021. 

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã đem lại nhiều lợi thế và cơ hội đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam và Ba Lan. Điều này được minh chứng bằng số liệu xuất nhập khẩu giữa 2 nước do Tổng cục Hải quan công bố mới đây. Theo đó, năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt 2,115 tỷ USD, tăng 17,6% so với 2019. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,774 tỷ USD, tăng 18,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Ba Lan đạt 341 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ. 

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 19 vào Ba Lan. Những mặt hàng Việt Nam xuất nhiều vào Ba Lan năm 2020 gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (hơn 993,209 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (gần 224 triệu USD); hàng dệt may (69,399 triệu USD); cà phê (39,158 triệu USD); giày dép các loại (38,025 triệu USD)…

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Ba Lan

Phát biểu tại hội thảo, ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan tại TPHCM, nhận định, 71% thuế quan được EU gỡ bỏ ngay lập tức với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và phần còn lại được gỡ bỏ trong 7 năm, hàng hóa Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc chinh phục thị trường Ba Lan nói riêng và EU nói chung. 

Nắm vững quy tắc xuất xứ để tránh rủi ro

Theo ông Đặng Thái Thiện, Phó phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM, EU (tính luôn Vương quốc Anh) là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, kim ngạch nhập khẩu ngoại khối vào EU khoảng 1.934 tỷ EUR. Đây là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, trị giá nhập khẩu hàng năm khoảng 50 tỷ EUR.

Hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 10 của EU, chiếm khoảng 1,8% thị phần. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của EU trên thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 2 ASEAN.

Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào EU chiếm 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu từ EU chiếm 5,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong EU với kim ngạch gần 7 tỷ USD. Tiếp đến là Đức 6,644 tỷ USD, Vương quốc Anh (trước Brexit) 4,955 tỷ USD, Pháp 3,297 tỷ USD, Italy 3,117 tỷ USD, Áo 2,882 tỷ USD, Bỉ 2,315 tỷ USD, Tây Ban Nha 2,130 tỷ USD. Ba Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của hàng hóa Việt Nam trong EU. 

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, tác động của EVFTA đối với xuất nhập khẩu và đóng góp vào GDP của Việt Nam là rất tích cực. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam vào EU được dự báo tăng 42,7% năm 2021 và 44,37% năm 2022. EVFTA giúp thúc đẩy tăng trưởng một số nhóm ngành nghề của Việt Nam như vận tải thủy, vận tải hàng không, thịt heo, đường, gạo, da giày, may mặc, dệt, gốm sứ, thủy tinh…

Để tăng lượng hàng xuất khẩu vào EU, ông Đặng Thái Thiện lưu ý, đầu tiên, sản phẩm xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS). Theo đó, EVFTA quy định mỗi bên cần lập danh sách các DN xuất khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên còn lại. Thời gian công nhận cũng được rút ngắn còn 3 tháng kể từ thời điểm nhận được đề nghị so với quy định của WTO (6 tháng).

EVFTA cũng quy định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành mà Việt Nam khó đáp ứng. Việt Nam được lựa chọn một trong 3 giải pháp nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU: (1) EU dành cho Việt Nam thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp này; (2) Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận; (3) EU hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam đáp ứng được biện pháp SPS.

DN cũng cần tìm hiểu về các hàng rào kỹ thuật (TBT) như quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102/NĐ-CP về việc quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam. 

Trong quá trình xuất khẩu, DN cần đặc biệt lưu ý tới quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Theo quy định, chỉ những hàng hóa có xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Khi xuất khẩu hàng hóa vào EU, việc nắm vững và thực hành đúng các quy tắc xuất xứ được quy định sẽ tránh được rủi ro không đáng có cho DN.

Theo ông Đặng Thái Thiện, chứng từ chứng nhận xuất xứ hiện nay gồm 2 loại là giấy chứng nhận xuất xứ và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ. Hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đi EU cần phải có: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phát hành theo quy định; chứng từ khai báo xuất xứ (chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) bởi bất kỳ nhà xuất khẩu nào với lô hàng có trị giá được xác định theo pháp luật hiện hành của Việt Nam và không vượt quá 6.000 EUR; chứng từ tự chứng nhận xuất xứ bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện hoặc nhà xuất khẩu đã đăng ký theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam sau khi Việt Nam thông báo với EU quy định đó được áp dụng với nhà xuất khẩu Việt Nam.