Bệ đỡ cho hàng Việt

|

Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ phê duyệt. 

Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; đồng thời lồng ghép vào chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu cụ thể là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% tại các kênh phân phối truyền thống; giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước. 

Theo số liệu của Ban Thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính đến tháng 1-2020, cả thế giới đã có 303 FTA có hiệu lực trong tổng số 483 FTA được các nước thành viên thông báo lên WTO. Việt Nam đã tham gia và là thành viên của nhiều FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA... Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.

Việc tham gia FTA cũng đồng nghĩa chúng ta phải thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác vào Việt Nam, làm cho thị trường nội địa không còn là “sân nhà” của DN. Trong bối cảnh trình độ của DN Việt vẫn ở mức trung bình và thấp, những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh chưa cao như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành sẽ gặp không ít thách thức. 

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta giữ vững thị phần hàng Việt? Liệu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đưa ra có đủ mạnh để giữ thị phần cho hàng Việt? Chính phủ và các bộ ngành cần có thêm những chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho DN Việt, cho hàng Việt? Trước hết, đối với lĩnh vực phân phối, một khi xác định DN bán lẻ trong nước là chủ lực, thì cần tìm hiểu họ đang thiếu gì, cần hỗ trợ gì để xây dựng các cơ chế phù hợp.

Chúng ta đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử, và ngành bán lẻ cần được đưa vào danh sách “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để giúp các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, được hỗ trợ, tư vấn về quá trình chuyển đổi số, từ đó định hướng tốt hơn trong kinh doanh. Chính phủ cần thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa, tạo điều kiện cho các DN bán lẻ ổn định, phát triển trong bối cảnh cạnh tranh và thách thức của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các DN, đặc biệt là hoạt động bán hàng online…

Các DN cũng cần chủ động nguồn lực, xây dựng kế hoạch dài hạn, không ngừng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để hoàn thiện sản xuất, đưa ra những sản phẩm có chất lượng, có tính cạnh tranh cao. Các hiệp hội ngành nghề cần đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ các DN tăng cường sức mạnh, tăng năng lực sản xuất để đứng vững trong sân chơi lớn. 

Thực tế chứng minh rằng, trong hội nhập, ai nắm hệ thống phân phối sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Nói cách khác, để giữ được thị phần cho hàng Việt, chúng ta phải xây dựng được một hệ thống phân phối trong nước vững mạnh. Đây sẽ là bệ đỡ cho các DN phát triển bền vững, nếu không hàng Việt sẽ khó đứng vững trước “sức nóng” của hội nhập, mở cửa thị trường ngày càng sâu rộng.