Thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản: Cần thống nhất cơ chế quản lý theo vùng

|

Sở Công thương TPHCM vừa phối hợp Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” để xây dựng Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” (viết tắt là Đề án).\r\n

Tại đây, hầu hết ý kiến của các chuyên gia, đại diện sở ngành chuyên môn các tỉnh thành đều cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng cơ chế thực hiện quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP), thống nhất pháp lý hóa và áp dụng nhất quán hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa cho nông sản, xây dựng hệ thống thông tin sản xuất và thương mại nông thủy sản cấp độ vùng mới có thể thực hiện Đề án một cách hiệu quả. 

Nhiều trang trại trồng rau thủy canh tại Đồng Nai sản xuất, cung cấp cho thị trường TPHCM. Ảnh: THANH HẢI

Khó kiểm soát ATTP tại nguồn

Với vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM luôn giữ vững vị thế địa phương đi đầu về phát triển kinh tế. Nhờ phát huy tối đa những lợi thế khách quan sẵn có như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng phát triển, dân số đông với trình độ và thu nhập trung bình cao nhất nước, chính quyền TPHCM kết hợp vận dụng hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để triển khai thành công nhiều chương trình, giải pháp vừa giúp duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế TP, vừa mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các tỉnh thành bạn. Qua đó, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh của vùng thông thoáng, thuận lợi; thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư phát triển công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao; chung tay khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hình thành chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì vậy, thời gian qua, TP đã cố gắng xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, DN cung ứng thực phẩm đầu mối, chợ đầu mối, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và cải thiện quản lý ATTP. Nhưng hệ thống phân phối hiện đại có giới hạn về năng lực tiêu thụ thực phẩm, mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% lượng cầu. Vẫn còn khoảng 70% nông sản thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống - các chợ dân sinh, chưa được kiểm soát chặt chẽ về ATTP. 

Kết quả khảo sát 500 hộ tiêu dùng, 400 hộ nông dân, 3 chợ đầu mối và trên dưới 10 kênh phân phối hiện đại cho thấy, các kênh phân phối truyền thống, có nhiều điểm chưa kiểm soát được về ATTP. Phần lớn rau củ quả không có bao bì, thương hiệu, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Rau củ quả từ các tỉnh vận chuyển đến TPHCM bằng các phương tiện vận tải không chuyên dùng, không đảm bảo an toàn. Riêng thịt heo, dù hoạt động truy xuất nguồn gốc được thực hiện khá tốt nhưng còn hạn chế căn bản là không truy xuất được từ người sản xuất, mà thực chất chỉ truy xuất từ thương lái thu gom đến giết mổ và phân phối đến chợ đầu mối. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc càng trở nên khó khăn hơn khi sản phẩm chăn nuôi trước giết mổ đến từ rất nhiều tỉnh thành. Tình hình truy xuất nguồn gốc cũng tương tự đối với thịt gia súc, gia cầm và rau củ quả. 

Đại diện tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh này, là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thực phẩm là vấn đề tỉnh luôn quan tâm và nỗ lực tìm giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy vậy, quá trình thực hiện các phương thức kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản còn nhiều bất cập. Đó là chưa quản lý tốt vùng trồng nên chưa nắm chắc số lượng cần tiêu thụ và chế biến - chủ yếu do nông dân trồng nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Thiếu thông tin về tiêu thụ nông sản của tỉnh nhà, cũng như tại Hà Nội, TPHCM… nên việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản của Tiền Giang chưa bảo đảm tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì nhãn mác, giấy chứng nhận và chất lượng nên chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà phân phối.

Xây dựng quy hoạch vùng 

Trước những khó khăn nêu trên, để thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đề nghị TPHCM tiếp tục làm đầu tàu trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy kết nối - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm ATTP. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung về sản lượng, quy mô nông sản thực phẩm để thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử cấp vùng, trước mắt áp dụng cho các sản phẩm đặc trưng của mỗi tỉnh, để từ đó hoàn thiện cơ chế và quy trình hoạt động của sàn. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung về quy trình sản xuất cho nông sản. Trên cơ sở đó, các địa phương linh hoạt ứng dụng nhằm tạo chất lượng sản phẩm cao, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho tiêu thụ và chế biến. Nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển nhóm sản xuất nhỏ và vừa, trên cơ sở tập hợp các hộ sản xuất nhỏ lẻ với nhau, sao cho sản xuất đồng loạt cả về thời gian và áp dụng chung quy trình sản xuất, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu chế biến và tiêu thụ trong thời gian ổn định.

Theo bà Bùi Thị Thu, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cần tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết và đầu tư sản xuất các sản phẩm theo chuỗi, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn, khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển kinh tế trang trại. Lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm chất lượng gắn với thị trường thông qua hợp đồng, mời gọi các DN tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. 

Liên quan đến vấn đề tổ chức thị trường, đại biểu từ nhiều tỉnh thành cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là xây dựng chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản địa phương kết hợp với quản lý ATTP từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Trong đó, TPHCM cần phát triển mạnh các kênh phân phối nông sản hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, tăng cường công tác kết nối với các nhà phân phối tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận. Tăng cường công tác quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý chất lượng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, nhằm đáp ứng yêu cầu về sản phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và khả năng cung ứng nông sản với số lớn theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Kiểm tra, kiểm soát thường xuyên cách thức hoạt động của chợ đầu mối nông sản. Phát triển mạnh hệ thống thương lái thu mua nông sản tập kết về chợ đầu mối, từ đó phân phối đi TPHCM và các tỉnh thành lân cận.

Mặt khác, các địa phương sản xuất nên kêu gọi đầu tư, tận dụng nguồn nhân lực hỗ trợ quốc tế và tư nhân để xây dựng hệ thống chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại chỗ, đảm bảo ATTP trước khi phân phối đến thị trường tiêu  thụ. Việc liên kết xây dựng quy hoạch sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm an toàn cấp độ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ là cơ sở cho tổ chức quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và thương mại hàng hóa nông sản cho các tỉnh thành. Từ đó, định hướng mục tiêu, quy mô và tiêu chuẩn sản xuất của hộ gia đình, hợp tác xã, DN sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm an toàn, hướng đến xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, một trong những nhân tố đột phá, then chốt giúp đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta trong giai đoạn vừa qua là quyết sách đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên nền tảng xây dựng, thúc đẩy mối liên kết giữa các tỉnh thành, địa phương có tương đồng cao về lợi thế phát triển, như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và thực trạng kinh tế - xã hội. Từ đó, làm tiền đề hình thành các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia có khả năng đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.