Mang quả bơ Việt Nam ra nước ngoài

|

Nhận thấy quả bơ có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, UBND tỉnh Đắk Nông đã chú trọng phát triển cây bơ, hướng đến xuất khẩu...\r\n

Bơ Đắk Nông được đánh giá ngon, hướng đến xuất khẩu
Chỉ 1 tháng không có bơ
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước với diện tích gần 2.600ha; trong đó trồng chuyên canh hơn 700ha, trồng xen canh gần 1.900ha và năng suất bình quân từ 10 - 15 tấn/ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác và với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi hécta cho thu hoạch từ 300 - 500 triệu đồng/năm.
Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi hơn so với các tỉnh khác, nhiều giống bơ ở Đắk Nông cho trái gần như quanh năm (từ tháng 1 đến tháng 11), năng suất cao như bơ Cuba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp… Quả bơ Đắk Nông cho trái to, dẻo, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn so với bơ các địa phương khác nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tuy lợi thế lớn nhưng giá trị hàng hóa bơ Đắk Nông còn thấp do hạn chế trong khâu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, nông dân trồng không theo quy hoạch, quy trình sản xuất chưa đảm bảo, đầu ra sản phẩm không ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…
Để phát huy tiềm năng của cây bơ, tháng 3-2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao (SAM Agritech) để tìm kiếm và tuyển chọn những giống cây bơ ngon, chất lượng, năng suất cao để đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Chế biến nhiều sản phẩm từ bơ
Theo đại diện Công ty Agritech, nhiều năm qua thị trường Việt Nam liên tục “giải cứu” nông sản khi vào mùa vụ nở rộ. Để không còn chuyện giải cứu, cần phải giải quyết tận gốc của vấn đề, đó là chuỗi giá trị sản phẩm. Sản phẩm  bơ có thị trường rất lớn và tăng trưởng qua từng năm. Năm 2017, giá trị thị trường bơ thế giới là 13 tỷ USD, dự báo đến năm 2027 sẽ đạt 23 tỷ USD. Đối với thị trường các nước lân cận, năm 2017, Trung Quốc nhập 32.100 tấn bơ, tăng 1.000 lần so với năm 2011 và dự báo năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017; Hàn Quốc cũng nhập 5.000 tấn bơ, so với 450 tấn vào năm 2010… Vì vậy, nếu làm tốt công tác thị trường, giải quyết được về chuỗi sản phẩm thì bơ sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng có doanh thu xuất khẩu cao của Việt Nam.
Theo Công ty SAM Agritech, qua khảo nghiệm thấy cây bơ phát triển rất tốt tại tỉnh Đắk Nông nên công ty đã xây dựng dự án trên cơ sở nghiên cứu thị trường, chuẩn bị đầu ra cho sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị để có thể đem lại giá trị gia tăng tối đa cho sản phẩm. Thông qua sự hỗ trợ của Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, công ty đã hợp tác với Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về cây trồng) để phát triển toàn diện cây bơ tại tỉnh Đắk Nông.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand sẽ giúp SAM Agritech thực hiện 10 hợp phần trong vòng 3 năm như đưa giống bơ Hass mới - loại giống đang chiếm tới 80% nhu cầu bơ của thế giới - vào thử nghiệm, đánh giá quy trình để xây dựng vật liệu giống thuần, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó có công nghệ xây dựng nhà máy chế biến dầu bơ. Từ đó, nông dân trồng theo các dự án, được cung cấp các loại giống tốt, hỗ trợ quy trình canh tác, chứng nhận cây trồng, đào tạo hướng dẫn, bao tiêu sản phẩm…
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, cho hay quả bơ hiện nay chưa đạt chất lượng cao do nông dân trồng tự phát, chất lượng giống chưa tốt. Tỉnh đã định hướng và quy hoạch vùng trồng bơ chuyên canh và giảm dần diện tích trồng xen canh, tự phát trong rẫy. Tháng 6-2017, sở đã làm việc với 66 hộ có hơn 700ha trồng chuyên canh, hướng đến trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để hướng đến xuất khẩu.
Ngoài ra, sở cũng phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu thêm các giống bơ mới, phục hồi giống bơ bản địa và xây dựng chính sách để khuyến khích nông dân trồng loại cây ăn trái này. Đồng thời, xây dựng thành chuỗi liên kết để phát triển du lịch, chế biến nhiều sản phẩm từ bơ (tinh dầu, cơm bơ…) và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến.