Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Muốn cải cách hành chính tốt, cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm

|

Sáng 26-11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với 3 bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, TT-TT và 8 địa phương (TP Hà Nội, TPHCM, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, các bộ ngành, địa phương báo cáo, thảo luận về kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình triển khai.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ đầu năm đến nay, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hoàn thiện thể chế, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu số. Cụ thể, đến hết ngày 20-10, Chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt 1.271/1.695 quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc, trong đó cắt giảm hơn 3.512 giờ làm việc về thời gian giải quyết TTHC. Đồng thời, cắt giảm từ 1 đến 2 bước trong quy trình giải quyết TTHC với 1.271 quy trình nội bộ. TPHCM đã phê duyệt 966 danh mục TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó 611 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 335 dịch vụ công trực tuyến một phần…

Tính đến nay toàn thành phố đã thu nhận được hơn 7,9 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp, hơn 5,7 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2 phục vụ người dân sử dụng các tiện ích của VNeID và thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử. Có tổng số 3.312 phản ánh, kiến nghị về an ninh trật tự của người dân gửi qua ứng dụng VNeID được công an cấp xã tiếp nhận, xử lý.

Các đại biểu dự tại điểm cầu TPHCM

Bên cạnh đó, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, số đăng ký khai sinh, số đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con với tổng số hơn 12 triệu hồ sơ. Tất cả dữ liệu số hóa sổ hộ tịch của thành phố đã được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp từ ngày 15-6-2022.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, từ đầu năm đến nay, TPHCM rất nỗ lực để khắc phục các chỉ tiêu có điểm số thấp trong công tác cải cách TTHC. Kết quả một số chỉ tiêu cải thiện hơn, tỷ lệ đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là chưa đáp ứng được các chỉ tiêu chung của Chính phủ đề ra. Phó Chủ tịch UBND TPHCM cam kết sẽ quyết tâm tiếp tục khắc phục các điểm nghẽn về TTHC để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông của TPHCM: năm 2022 đào tạo 1.591 cán bộ, công chức, viên chức; năm 2023 đào tạo 2.420 học viên, trong đó số lượng cán bộ, công chức, năm 2024, Thành phố đã cử 3.963 cán bộ, công chức, viên chức tham dự đào tạo trực tuyến nâng cao nhận thức chuyển đổi số và hỗ trợ tạo lập dữ liệu chuyên ngành nội vụ trên nền tảng học trực tuyến mở về kỹ năng số.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan báo cáo tại cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhận xét các địa phương, bộ ngành đã có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC. Kết quả đạt như cắt giảm thủ tục, tiếp nhận giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng số… Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung tháo gỡ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương bám sát kế hoạch cải cách TTHC đã được ban hành; đẩy nhanh tiến độ, chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, thời hạn visa cho một số trường hợp như nhà đầu tư, chuyên gia, khách du lịch đến Việt Nam…

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, mục đích cuối cùng của công tác cải cách TTHC là tạo ra nền hành chính thông thoáng, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Để có được nền hành chính tốt, điều quan trọng là phải có đội ngũ cán bộ có trách nhiệm, hiểu biết, chuyên nghiệp, tận tâm, tận lực.

“Chúng ta đang đặt ra hệ thống pháp luật, tinh gọn bộ máy, đơn giản thủ tục nhưng xét cho cùng, người quyết định chất lượng nền hành chính là cán bộ thực thi”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường giáo dục cho đội ngũ cán bộ thực thi; tuyển chọn người có tâm, có năng lực, hiểu biết và tinh thần trách nhiệm vào bộ máy. Bởi tinh gọn bộ máy xong mà chất lượng cán bộ không được nâng lên thì cũng không thể có được nền hành chính tốt.