Sắp xếp lại để tiến xa hơn, nhanh hơn - Bài 3: Gỡ khó cho các đô thị

|

Để việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) diễn ra thuận lợi, hẳn nhiên không thể sáp nhập cơ học. Ở những đô thị đặc biệt như TPHCM và Hà Nội, quá trình này cũng có những khó khăn đặc thù.

Người dân làm thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đánh giá kỹ tác động

Hơn 2 năm trước, gia đình ông Trần Văn Huy (ngụ phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện các loại giấy tờ tùy thân, nhà đất sau khi các phường 6, 7, 8 được sáp nhập để lập phường Võ Thị Sáu. Do đó, nghe thông tin quận 3 là 1 trong 6 ĐVHC cấp huyện tại TPHCM thuộc diện phải sắp xếp lại, ông Huy ngao ngán khi nghĩ đến cảnh phải chạy đôn chạy đáo để thay đổi các loại giấy tờ một lần nữa.

Cùng băn khoăn, bà Trần Thu Hà (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TPHCM) lo lắng khi sắp xếp ĐVHC, nhiều loại giấy tờ như căn cước công dân, giấy tờ nhà đất, đăng ký kinh doanh, hồ sơ học bạ của con em bị thay đổi. Bà Hà mong chính quyền địa phương tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ kinh phí cho người dân trong quá trình thay đổi giấy tờ.

Trong giai đoạn 2019-2021, TPHCM đã sắp xếp 3 quận (gồm quận 2, 9, Thủ Đức để lập TP Thủ Đức) và 19 phường. Đến nay, các ĐVHC được sắp xếp hoạt động cơ bản ổn định. Tuy nhiên, TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất. Đặc biệt, việc sắp xếp đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo UBND quận 3, xét về tiêu chí dân số và diện tích, quận 3 thuộc diện phải sắp xếp lại. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của thành phố, quận đang rà soát lại các yếu tố đặc thù. Đặc điểm của quận 3 là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương, cũng như có nhiều bệnh viện, cơ sở tôn giáo. Vì vậy, số lượng hồ sơ hành chính giải quyết hàng ngày rất lớn.

Tương tự, quận 1 hiện có 239.000 người dân, nhưng mỗi ngày quận có khoảng 1 triệu người đến du lịch, học tập, làm việc. Bên cạnh đó, quận 1 có số lượng doanh nghiệp với số vốn lớn nhất trong số các quận, huyện của cả nước và có số lượng doanh nghiệp, ngân hàng, cơ sở kinh doanh khác rất lớn. Bí thư Quận ủy quận 1 Tô Thị Bích Châu cho biết, hiện nay quận 1 có 3 phường chưa đáp ứng được tiêu chí về số dân là phường Bến Thành, phường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh. Tuy nhiên, các phường này đều có những đặc thù riêng, ví dụ ở phường Bến Thành và các phường xung quanh có hơn 600.000 người đến du lịch mỗi ngày. Quận 1 đề xuất với tính đặc thù của quận, cần có sự sắp xếp cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phù hợp.

TPHCM có 6 quận thuộc diện phải sắp xếp gồm: quận 3 (diện tích 4,92km2 , dân số hơn 190.000 người), quận 4 (4,18km2 , gần 200.000 người), quận 5 (4,27km2 , hơn 160.000 người), quận 10 (5,72km2 , hơn 240.000 người), quận 11 (5,14km2 , hơn 210.000 người), quận Phú Nhuận (4,6km2 , hơn 180.000 người).

Theo UBND TPHCM, thời gian tới, thành phố tập trung xử lý nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả đối với trụ sở của các cơ quan, tổ chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC; tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và không thu phí đối với người dân, tổ chức thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan khi thay đổi địa giới hành chính.

Cân nhắc tính đặc thù

Giai đoạn 2019-2021, quận Hai Bà Trưng là quận nội thành duy nhất được TP Hà Nội lựa chọn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp phường. Đến nay, quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành sáp nhập phường Ngô Thì Nhậm vào phường Phạm Đình Hổ, lấy tên gọi mới là phường Phạm Đình Hổ; sáp nhập phường Bùi Thị Xuân vào phường Nguyễn Du, lấy tên gọi mới là phường Nguyễn Du. Theo đánh giá của UBND quận Hai Bà Trưng, sau việc sáp nhập trên, kết quả rõ nét nhất là tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách hàng năm của địa phương, đồng thời giúp quận và các phường có nhiều điều kiện lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, đại diện một số xã, phường sau khi được sắp xếp cho rằng, việc sáp nhập đã làm tăng quy mô diện tích, tăng dân số, địa bàn quản lý rộng hơn nhưng số cán bộ, công chức cấp xã, phường lại bị cắt giảm, không ít người phải chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, dẫn tới quá tải trong công việc.

Theo quy định hiện nay của Chính phủ, số lượng cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn loại 1 tối đa là 23 người. Tuy nhiên, tại TP Hà Nội, bình quân dân số mỗi phường là 25.000 người (bình quân tiêu chuẩn là 15.000 người), thậm chí có phường có số dân hơn 100.000 người như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Trước thực tế này, TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ Nội vụ và Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho thành phố nhằm tăng biên chế cho các phường, nếu không thì áp lực công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức phường rất lớn.

TP Hà Nội có 1 ĐVHC cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Theo ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở TP Hà Nội trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cần có quy định thực hiện thống nhất, liên thông một chế độ công vụ, công chức đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành phố. Bộ Nội vụ sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/2021/ NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết 97/2019/QH14. Trong đó, điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường theo số dân cư và diện tích tăng thêm hoặc tăng thêm các chế độ, chính sách đối với công chức ở những phường có số lượng dân cư đông. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu phương án phân bổ, giao chỉ tiêu biên chế đối với các nơi có khối lượng công việc lớn, tránh cào bằng, không đủ nhân lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng chí PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TPHCM:

Vừa thực hiện đúng chủ trương vừa phù hợp thực tiễn

Đặc điểm của TPHCM là dân số đông, hoạt động hành chính rất lớn. Ví dụ như xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đạt 2.000% tiêu chuẩn dân số, gấp 20 lần so với tiêu chuẩn. Còn quận 1 có dân số 239.000 người nhưng hàng ngày phải phục vụ cho khoảng 1 triệu người. Điều đó đặt ra cho TPHCM nhiều khó khăn, phức tạp trong việc sắp xếp ĐVHC, đòi hỏi thành phố phải nghiên cứu kỹ lưỡng khoa học, vừa thực hiện đúng chủ trương của Trung ương vừa phù hợp thực tiễn của thành phố.

Theo tiêu chí về diện tích và dân số, giai đoạn 2023-2025, TPHCM có 6 ĐVHC cấp huyện, 142 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Thành phố đang tập trung chỉ đạo lập phương án, xây dựng và hoàn thành đề án trình Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, nếu vận dụng các yếu tố đặc thù thì TPHCM chưa phải sắp xếp đơn vị cấp huyện mà sẽ phải sắp xếp 71 đơn vị cấp xã. Ban Cán sự đảng UBND TPHCM đã có tờ trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM để hoàn thiện đề án. Sau đó, thành phố trình Bộ Nội vụ xin ý kiến của Chính phủ, để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong thời gian tới.


PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội:

Cần tính đến các yếu tố của một đô thị đặc biệt

Khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, TPHCM cần tính đến các yếu tố của một đô thị đặc biệt, đô thị trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, việc sắp xếp ĐVHC có thể làm mất đi tên gọi, địa danh gắn với lịch sử, biểu tượng về văn hóa. Ngoài ra, cùng với các yếu tố về diện tích, dân số, cần cân nhắc thêm về yếu tố bản sắc, văn hóa của mỗi địa phương. Đơn cử như khi nhắc đến quận 1 người ta sẽ nghĩ ngay đến các trung tâm thương mại, quận 3 là nơi quy tụ nhiều biệt thự cổ, quận 5 là nơi hội tụ của văn hóa các dân tộc. Nếu không tính toán kỹ, khi thay đổi ĐVHC không đạt được hiệu quả như mong muốn phải quay lại phương án cũ, điều này sẽ gây rất nhiều phiền phức cho người dân.

Sắp xếp lại để tiến xa hơn - Bài 1: Tinh gọn bộ máy