TPHCM: Hơn 2,2 triệu hồ sơ hành chính được giải quyết qua mạng

|

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, với tỷ lệ 34,13%, tương đương 2,2 triệu hồ sơ hành chính được giải quyết trên môi trường mạng là một hạn chế cần cải thiện.
\r\n

\r\n
\r\n\r\n

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sáng 15-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận, trong các hạn chế chung của cả nước, TPHCM cũng có hạn chế về tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính trên môi trường mạng còn thấp. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 34,13% (tương đương 2,2 triệu hồ sơ). Lý do là TPHCM chưa hoàn thiện được Cổng dịch vụ công của TP kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đồng chí Phan Văn Mãi thông tin thêm, TPHCM đang tập trung quyết liệt để tháng 10 sẽ hoàn thiện.

Liên quan đến việc thực hiện Đề án 06 (về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, dù đã rất tập trung triển khai nhưng do quy mô lớn nên tiến độ cũng còn chậm. Đồng chí đề nghị các bộ ngành quan tâm, bởi với đề án này, sự phối hợp với các bộ ngành trung ương, thống nhất chỉ đạo xuống cơ sở là rất quan trọng.

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, năm 2021 và 2022, TPHCM thí điểm triển khai tháng cao điểm giải quyết thủ tục hành chính trong ngày, đạt kết quả rất tốt với 700.000 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trong ngày. Từ kết quả này, TPHCM đã chỉ đạo các quận huyện tiếp tục thực hiện đến cuối năm, rà lại các thủ tục để giải quyết trong ngày, để việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trong ngày trở thành công việc thường xuyên.

TPHCM cũng có nhiều mô hình ứng dụng chuyển đổi số cho kết quả tốt. Từ tháng 5, Sở TN-MT đã triển khai liên thông dữ liệu địa chính và thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, tiết kiệm được nhiều thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời công bố dữ liệu nền về đất đai, từ đây quận huyện sở ngành có thể đưa thêm các lớp dữ liệu khác và khai thác sử dụng, bước đầu cũng phát huy hiệu quả tốt.  

Đặc biệt, TPHCM đã xin thí điểm hệ thống thông tin quản trị thực thi công việc phục vụ điều hành chỉ đạo. Đến nay, TPHCM đã đưa lên hệ thống, theo dõi được 27 chỉ tiêu thuộc 5 ngành. Bên cạnh đó, đối với việc theo dõi, tiếp nhận giải quyết kiến nghị phản ánh của tổ chức cá nhân qua cổng 1022, đến nay lãnh đạo TPHCM đã có thể theo dõi được thời gian thực kết quả tiếp nhận và giải quyết của quận huyện phường xã.

Về Quyết định 54 của Thủ tướng về hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, TPHCM đã cập nhật được 50/110 chỉ tiêu, phấn đấu cuối năm sẽ cập nhật đầy đủ 110 chỉ tiêu.

Kiến nghị cho công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị giữa các bộ ngành nên có sự thống nhất về quy chế quy định quy trình, về dữ liệu, hạ tầng, để địa phương dễ thực hiện.

Đồng thời, các bộ ngành cần đẩy nhanh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để địa phương có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 và liên thông điện tử cho các cá nhân tổ chức dễ thực hiện. Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần đa dạng hình thức thực hiện, thành phần số lượng hồ sơ như nộp trực tuyến, trực tiếp, ủy quyền… để người dân có thể lựa chọn.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề xuất nên có một nền tảng thanh toán điện tử chung do Ngân hàng nhà nước chủ trì.

Đồ họa: TRÍ THẾ