Sau hơn 4 năm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo nghị quyết 18-NQ/TW của trung ương, tính đến hết tháng 6 năm nay, cả nước giảm được 7 sở, 1.440 phòng trực thuộc sở, giảm 208 chi cục, so với thời điểm tháng 6-2017.
\r\n
Chiều 5-11, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ tới báo chí về các hoạt động của ngành trong thời gian quan.
Sau 4 năm giảm được 7 sở
Theo ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ, trong thời gian vừa qua Bộ Nội vụ đã tập trung tham mưu xây dựng các văn bản, đề án được cấp có thẩm quyền giao theo Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực công tác.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Thông tin về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, ông Vũ Đăng Minh cho biết, hiện nay các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đang rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 56 của Quốc hội và đáp ứng tiêu chí thành lập quy định tại Nghị định số 101, Nghị định số 47 và Nghị định số 120 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở đó, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Trong khi đó, về sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, ông Minh cho hay, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107, trong đó quy định cụ thể về: tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù (Dân tộc, Du lịch, Ngoại vụ, Quy hoạch và Kiến trúc); tiêu chí thành lập tổ chức và số lượng biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức thuộc sở, thuộc chi cục thuộc sở; tiêu chí xác định số lượng cấp phó của người đứng đầu làm cơ sở phân cấp cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ông Vũ Đăng Minh thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Kết quả sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu, như sau:
Tính đến ngày 30-6-2021, cả nước có 1.173 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh (gọi chung là sở), giảm 7 sở so với thời điểm 30-6-2017.
Tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cũng được tinh gọn, cả nước có 7.215 phòng trực thuộc sở, giảm 1.440 phòng; Số chi cục thuộc sở là 907 chi cục, giảm 208 chi cục; Cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện là 8.490 phòng, giảm 451 phòng, so với thời điểm trước sắp xếp.
Không yêu cầu “cứng” phải có nghiệp vụ sư phạm
Trước những vấn đề còn đặt ra về vấn đề công chức, viên chức, Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức với những quan điểm mới.
Theo đó, tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Bỏ đối tượng áp dụng là “công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập” và bổ sung đối tượng được áp dụng quy định tại Nghị định này tương tự như các quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
Các hình thức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cán bộ, công chức cấp xã) được quy định thống nhất bao gồm: bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã và bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Nghị định không quy định hình thức bồi dưỡng “tập sự” vì trùng lặp với quy định học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi được bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp.
Đặc biệt, Nghị định đã giải quyết một số vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Đáng chú ý như, bỏ quy định về việc học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là điều kiện được học các chương trình bồi dưỡng cao hơn liền kề.
Không yêu cầu “cứng” phải có nghiệp vụ sư phạm nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc huy động cán bộ, công chức có kinh nghiệm quản lý tham gia giảng dạy.
Đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một chuyên ngành đề nghị quy định chung 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (không chia theo hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây) hoặc chứng chỉ hành nghề (nếu có).
ĐỖ TRUNG