Trân trọng những chiến sĩ thầm lặng

|

Đã nghe nhiều người thân, quen ca ngợi cảnh sát cứu nạn cứu hộ, tôi không mấy tin mà thường nghĩ rằng họ quá lời. Cách nhìn nhận của tôi về những người làm nghề cứu nạn cứu hộ thật sự thay đổi từ khoảnh khắc tôi tận mắt chứng kiến cảnh cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07) Công an TPHCM “cân não” với nam thanh niên say rượu, nằm vắt vẻo trong ô chữ HQC, trên tầng thượng chung cư HQC Plaza (phường An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM). \r\n

Cảnh sát dùng xe thang cứu 2 nạn nhân tại vụ cháy trên đường Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5) trưa 11-11-2021

Vụ việc xảy ra vào chiều 4-11-2020, khi đó, tất cả những người chứng kiến đều thót tim vì nam thanh niên không những mạo hiểm mà còn nung nấu ý định nhảy xuống đất từ độ cao gần 100m.

Đứng bên dưới, không thể quan sát tường tận nhưng tôi cảm nhận rõ rệt chỉ cần một chút sơ sẩy thì người ở vị trí như vậy có thể rơi xuống, mất mạng. Khó hơn nữa, thanh niên trên không hợp tác. Người này bất cần đến nỗi vừa nằm vất vưởng, vừa la hét. Sau này, khi xem clip ghi lại hành trình cứu nạn, tôi thấy nạn nhân thậm chí còn cầm kéo đe dọa rồi tự gây thương tích khắp cơ thể.

Không ngại hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ cứu nạn cứu hộ thuần thục sử dụng dây bảo hộ, tiếp cận đối tượng từ nhiều hướng. Trong khi, nạn nhân cố chấp di chuyển ra lan can rồi đưa nửa người ra không trung, tay cầm khư khư cây kéo. Cuộc chiến giữa nhiều người muốn bảo vệ tính mạng người khác với một người muốn vứt bỏ bản thân kéo dài nhiều giờ.

Dưới đất, không ít người mất kiên nhẫn, chửi thầm người trẻ dại dột. Lực lượng cứu nạn vừa dùng biện pháp tâm lý trấn an tinh thần, vừa khống chế bằng dây nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng nam thanh niên. 

Tôi không biết dùng ngôn từ nào để miêu tả đủ cặn kẽ quá trình cảnh sát tiếp cận mục tiêu, mà một sơ sót cực nhỏ cũng không có cơ hội phát sinh. Tôi chẳng thể hiểu tường tận phương pháp nghiệp vụ tâm lý mà các anh áp dụng. Tuy nhiên, tôi thấy rõ một điều: mọi phương án đều hướng tới mục đích nhằm bảo vệ nạn nhân an toàn. Vì tôn chỉ ấy, cảnh sát cứu nạn cứu hộ không nề hà bất cứ nhiệm vụ nào.

Nhiều người chỉ biết cảnh sát cứu nạn cứu hộ tìm và cứu người, tài sản, không mấy người biết họ còn đảm đương nhiều công việc khác, đôi khi có những việc không tên (tìm tang vật, dỡ bảng quảng cáo) đến những rắc rối ít người chú ý như bắt tổ ong; các anh cũng không ngần ngại xử lý. Đối với mọi tình huống, cảnh sát cứu nạn cứu hộ luôn chuyên nghiệp, tận tâm. Đó là điều vô cùng đáng quý! 

Từ thâm tâm tôi, cứu nạn cứu hộ xứng đáng mang danh xưng “nghề phi thường” bên cạnh nghề y hay nghề giáo. Người làm nghề cứu nạn cứu hộ xứng đáng nhận tôn vinh từ cộng đồng. Qua Báo SGGP, tôi chân thành gửi tấm lòng tri ân đến những người quả cảm, lặng thầm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chúng tôi trân trọng và quý mến các anh!