Loại bỏ nguy cơ mất an toàn khi sử dụng điện

|

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra hơn 160 vụ cháy liên quan đến sự cố, sơ suất trong sử dụng các thiết bị điện (chiếm tỷ lệ 60,99%/tổng số 264 vụ cháy). 

\r\n

 

\r\n

Trước thực trạng trên, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Thượng tá Nguyễn Đức Vinh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC TPHCM, về những nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do điện gây ra.

Hiện trường vụ cháy nhà dân khiến 6 người trong gia đình tử vong có nguyên nhân do sự cố về điện
 * PHÓNG VIÊN: Có phải những vụ cháy nổ liên quan đến sự cố về điện thường khó chữa cháy dứt điểm ngay từ ban đầu và hậu quả để lại cũng rất nặng nề?

* Thượng tá NGUYỄN ĐỨC VINH: Đúng vậy, nhiều vụ việc đã để lại hậu quả lớn. Như vụ người đi đường phát hiện thấy có khói và lửa phát ra từ số nhà 416 đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5), liền tri hô cho người dân xung quanh biết và tham gia chữa cháy. Nhưng lúc này đám cháy đã phát triển lớn, cửa nhà lại khóa kín nên việc chữa cháy không hiệu quả. Cảnh sát PCCC TPHCM sau nhận được tin báo cháy đã điều động lực lượng, phương tiện nhanh chóng đến hiện trường, triển khai nhiều mũi tấn công dập tắt đám cháy, cứu người bị nạn. Tuy nhiên, rất đau lòng là có đến 7 người bị kẹt bên trong nhà đã tử vong. Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường ban đầu, nguyên nhân xảy ra cháy có khả năng do sự cố về điện của xe gắn máy đặt trong khu vực kinh doanh của ngôi nhà (có nhiều vật liệu dễ cháy) nên gây cháy lan, cháy lớn khiến các nạn nhân bị ngạt khói. Vụ cháy nhà xưởng Công ty TNHH Việt Nam SamHo (tỉnh lộ 8, ấp Thạnh An, xã Trung An, huyện Củ Chi, TPHCM) cũng gây thiệt hại lớn về tài sản khoảng 315 tỷ đồng. Vụ cháy nhà dân tại số 453/6 đường Lê Văn Sỹ (quận 3) làm 6 người tử vong, 2 người bị thương, cháy hoàn toàn 53,2m2 diện tích tầng trệt, 6 xe máy cùng một số vật dụng gia đình…

Những vụ cháy liên quan đến sự cố, sơ suất trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện có diễn biến phức tạp, nếu chúng ta không có sự quan tâm đúng mức đến các điều kiện an toàn PCCC thì thiệt hại là không thể lường trước được.

* Những sai sót thường gặp trong việc sử dụng điện dẫn đến nguy cơ cháy nổ là gì, thưa đồng chí?

* Những sai sót thường gặp trong việc sử dụng điện tập trung vào những lỗi sau: Khi xây dựng nhà và thiết kế hệ thống điện, chủ đầu tư không tính toán đầy đủ các đồ dùng thiết bị về điện sẽ sử dụng, dẫn đến hiện tượng quá tải dây dẫn điện gây cháy. Các thiết bị đóng ngắt (áptômát, cầu chì...) chưa thiết kế phù hợp với công suất sử dụng điện để bảo vệ đối với từng cấp điện áp, từng khu vực cụ thể; do đó khi có chạm - chập điện, thiết bị đóng ngắt không phát huy được tác dụng, dẫn đến cháy nổ hệ thống điện.
Việc người dân cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm; dùng đinh, dây thép buộc giữ dây điện; không luồn dây dẫn điện trong ống bảo vệ; để dây dẫn tiếp xúc với vật liệu dễ cháy nổ, để hở các mối nối của dây dẫn và giữa dây dẫn với thiết bị tiêu thụ điện, dùng dây điện đang có nguồn điện làm dây treo quần áo, đồ đạc dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao.

Việc sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện cao (bàn ủi, lò sưởi điện, bếp điện...) ở những nơi có nhiều vật dụng dễ cháy như phòng ngủ, nhà bếp... mà không theo dõi, đôi lúc quên việc đang sử dụng các thiết bị điện sẽ phát sinh nguồn nhiệt gây cháy nổ.

* Đồng chí có những khuyến cáo gì để các đơn vị, nhà dân nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn PCCC liên quan đến điện? 

* Đối với cơ sở sản xuất: Thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC, quy phạm trang bị điện, tính toán phù hợp với công suất sử dụng. Hệ thống điện tại khu vực có chất dễ cháy nổ phải được thiết kế, lắp đặt theo quy định về an toàn phòng chống cháy nổ; chỉ sử dụng loại thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy nổ chuyên dùng.

 Hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, hệ thống chống sét, nối đất phải được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường theo quy phạm; tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện phải được kiểm tra đo, đếm định kỳ theo quy định.

Tránh dùng dây dẫn có tiết diện không phù hợp với dụng cụ điện có công suất lớn vì sẽ quá tải gây cháy nổ. Không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Không được dùng đinh, dây thép buộc giữ dây điện. Không luồn dây điện qua mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện. Đặt các thiết bị tiêu thụ điện trên vật liệu không cháy và đúng nơi quy định. Thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị, dụng cụ điện. Các điểm nối dây phải đúng kỹ thuật. Đường dây dẫn điện, cầu chì, cầu dao không để bị gỉ, dẫn đến tiếp xúc kém, dễ phát nhiệt tạo thành tia lửa điện gây cháy. Thay ngay dây dẫn điện đã bị biến màu (lão hóa). Phải đặt tủ điện chính ở chỗ thuận tiện, dễ thao tác, sửa chữa; cấm đặt bảng (hộp, tủ) điện ở khu vực ẩm ướt, phòng chứa hóa chất… Về kho chứa hàng, phải lắp cầu dao riêng và đặt phía ngoài kho, lắp thiết bị ngắt điện tự động khi có sự cố. Tách riêng hệ thống điện phục vụ xuất nhập hàng hóa; phục vụ sản xuất, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt. Kho chứa các chất nguy hiểm về cháy nổ phải là kho chuyên dùng.

Khi hàn điện phải che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m). Không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với vật liệu dễ cháy, có biện pháp và phương án xử lý cháy nổ.

Đối với khu dân cư, nhà cho thuê: Các thiết bị điện đặt trong nhà phải lựa chọn phù hợp với điện áp của mạng lưới điện cung cấp, tính chất môi trường và yêu cầu sử dụng.

Kiểm tra các thiết bị đóng ngắt (áptômát) hoặc cầu dao điện tổng của đường dây điện chính và đường dây điện từng khu vực, hạng mục, gian phòng và các thiết bị điện. Thiết bị bảo vệ trước từng khí cụ điện, dây chảy của cầu chì phải đúng tiêu chuẩn và phù hợp với công suất sử dụng; đảm bảo khi có chạm, chập điện thì dây chảy phải cắt ngay nguồn điện. 

Không mắc dây điện trần trong khu dân cư có nhà làm bằng vật liệu dễ cháy. Thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị, thiết bị điện. Các dây dẫn điện nối vào phích cắm, đuôi đèn, máy móc đảm bảo độ bền cơ học, điểm nối vào mạch rẽ ở 2 đầu dây nóng và nguội không được trùng lên nhau. Các điểm nối dây phải đúng kỹ thuật. Không được co, kéo dây điện hay treo các vật nặng lên dây. Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng phải tuân theo tiêu chuẩn hiện hành về chiếu sáng. Bóng điện được mắc cố định, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu dễ cháy được như giấy, vải, ni lông... để bao, che bóng điện. Không đặt các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy...) gần thiết bị tiêu thụ điện như đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện,  chấn lưu đèn huỳnh quang... Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm vì nước văng vào sẽ gây chập điện.

Kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây...), nếu có hiện tượng phát nhiệt đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa lại cho đảm bảo.