Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh

|

NDO - Là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ thiên tai, ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước) và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, như: năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải…

Đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” sáng 4/12, tại Hà Nội, do Báo Đầu tư tổ chức cùng sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Nhu cầu vốn lớn

Tại Hội thảo, lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã nêu bật được nhu cầu về vốn tín dụng xanh, khả năng giải ngân vào các dự án cụ thể của doanh nghiệp, cũng như các vấn đề cần quan tâm trong mở rộng tín dụng xanh nói riêng và tài chính xanh nói chung.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: “nhu cầu với nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng cũng phải nói thêm là mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng xanh”.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam.

Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong số 12 lĩnh vực xanh mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước).

Nhưng bên cạnh các kết quả đạt được, để tín dụng xanh phát triển, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo đó, cần có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

“Tiếp đến, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh”, bà Phạm Thị Thanh Tùng nêu rõ.

Giải pháp mở rộng tín dụng xanh

Chia sẻ về nhu cầu và khả năng đáp ứng vốn cho doanh nghiệp, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: Từ nguồn vốn tài trợ của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)…, tạo được sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân.

Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...).

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank.

Agribank cũng đang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 27/11/2023 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

“Chúng tôi tích cực tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các tổ chức tài chính tài trợ như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền trung-Tây Nguyên…”, bà Bình cho hay.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ về kinh nghiệm thực tế xây dựng phương án vay cho các dự án phát triển bền vững, khả năng huy động vốn từ quốc tế và trong nước cho các dự án này, những rủi ro cần tránh và nhiều kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam có thể tham khảo.

Theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quãng thời gian 2 năm từ COP26 đến COP28 diễn ra tại Dubai tháng 11/2023, Việt Nam đã lên kế hoạch để thực hiện các cam kết và một trong những nhiệm vụ quan trọng là huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh.

Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. “Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Tin liên quan
Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa tham vọng Net-Zero vào năm 2050