Phòng, chữa cháy phải thay đổi từ nhận thức

|

Chiều 4-4, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công an - Trung tướng Bùi Văn Thành nhận định, các vụ cháy tỷ lệ thuận với nhận thức không đầy đủ về cháy, nổ. \r\n

Hiện trường một ngôi nhà bị thiêu rụi ở Nghệ An
Do đó, muốn tăng cường được hiệu lực, hiệu quả phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thì phải tạo sự chuyển biến về ý thức, nhận thức của cộng đồng, từ đó thay đổi hành vi để phòng ngừa, ngăn chặn hiểm họa này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tại sao hàng loạt vụ cháy lớn đã xảy ra vừa qua, mặc dù chưa phải là cao điểm của thời tiết khô nóng?
Ông BÙI VĂN THÀNH: Bình quân những năm qua, mỗi năm xảy ra khoảng 3.000 vụ cháy. Thực tế, có một bộ phận không nhỏ coi thường, xem nhẹ, không chú ý đến vật cháy cũng như việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong gia đình mình.
Tất nhiên, trong PCCC thì nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã thường xuyên chỉ đạo kiểm tra sâu sát, nhưng chúng tôi không thể làm thay chủ đầu tư, làm thay ban quản lý, nhân dân. Trong khi đó, hiện nay chúng ta vẫn thiếu chế tài mạnh, chủ yếu là xử lý hành chính, chưa đủ tính răn đe, mặc dù đã có Luật PCCC.
Hàng năm, nguyên tắc là phải kiểm tra công tác PCCC 4 lần/năm, nhưng theo chỉ thị của Thủ tướng thì 1 năm lực lượng PCCC chỉ kiểm tra 1 lần, còn 3 lần tổ chức, cá nhân tự kiểm tra. Chúng tôi tuân thủ chỉ thị nhưng cũng đang báo cáo lại theo hướng là khi PCCC kiểm tra thấy đủ điều kiện an toàn thì tổ chức, cá nhân tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm để bảo đảm các hệ thống kỹ thuật hoạt động bình thường. Có một thực tế khá phổ biến là lúc nghiệm thu thì tốt, nhưng quá trình hoạt động thì hệ thống cảnh báo không hoạt động hoặc báo giả. Các hệ thống chữa cháy tự động và bán tự động cũng vậy như vụ cháy ở tòa nhà Carina Plaza, tại thời điểm xảy cháy lại hệ thống không hoạt động tốt.
 Kỹ năng xử lý tình huống cũng là một thách thức lớn khác, thưa ông? 
 Đúng là ngay khi xảy cháy, nếu chuông kêu, đèn nháy, còi hú mà có người ứng trực tại chỗ, sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu bằng bột, bằng khí đúng cách thì sẽ dập tắt được đám cháy. Nhưng ở Carina Plaza việc này không có hoặc có nhưng làm thiếu trách nhiệm nên đám cháy bùng lên, đến lúc xe nổ, xăng chảy ra, dẫn đến cháy lan, cháy lớn… Tất cả những vấn đề này đang được làm rõ.
Tôi cho rằng trong PCCC thì quan trọng nhất vẫn là 4 tại chỗ: người dân, ban quản trị, phương tiện và công nghệ. Nếu làm tốt thì chỉ có những đám cháy thuộc dạng chất lỏng như cháy xăng dầu với diện tích lớn mới phải có phương án ứng cứu. 
Có tình trạng chung cư vừa kiểm tra xong đã xảy ra cháy. Trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Về nguyên tắc những nơi tập trung đông người, đặc biệt là những nhà cao tầng, siêu cao tầng thì cơ quan chức năng PCCC phải thẩm duyệt các giải pháp PCCC, chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Sau khi hoàn thành thì nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Nhưng hiệu quả hoạt động PCCC còn phụ thuộc quá trình quản lý, quản trị. Nếu trong quá trình vận hành công trình mà không kiểm tra, bảo trì thì sẽ có trục trặc. Trách nhiệm thuộc về ban quản lý tòa nhà song người dân cũng phải hiểu biết hệ thống nơi mình đang ở trong tình trạng như thế nào, cụ thể là có phương tiện báo cháy không. Ở đây cũng có phần trách nhiệm của ban quản lý là phải tuyên truyền để người dân nắm được. 
Đối với những chung cư đã được kiểm tra, xác định công tác PCCC chưa tốt thì xử lý thế nào?
Với những trường hợp vi phạm thì trước hết xử lý hành chính, sau đó tiến hành điều tra. Nếu đủ các yếu tố vi phạm pháp luật thì mới khởi tố được. Chúng tôi sẽ thống kê báo cáo Thủ tướng về thực trạng này.
Vậy khi nào thì có báo cáo, thưa ông?
Báo cáo chung theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an chúng tôi đã làm. Nhưng thống kê chi tiết đến từng tòa nhà thì khối lượng rất lớn, đang làm. Toàn quốc đã giao ban, sơ kết quý 2 và phát động quý cao điểm tấn công, trấn áp dập lửa trên toàn quốc trong quý 3. Đặc biệt, đối với 7 tỉnh có nhà cao tầng, siêu cao tầng là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu thì càng phải chú trọng, vì các tòa nhà cao tầng như một xã hội thu nhỏ, có người không hiểu mức độ an toàn thế nào. 
Phương án xử lý “điểm đen” về PCCC như thế nào?
Xử lý các “điểm đen” có cái khó là có rất nhiều nhà xây dựng trước khi chưa có Luật PCCC, chưa tuân thủ về khoảng cách an toàn, hạng mục công trình thoát hiểm, thoát nạn… Cho nên những trường hợp trước khi có luật thì phải báo cáo Thủ tướng thực trạng và mức độ mất an toàn. Chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp căn cơ, nhưng cần đến sự vào cuộc của bộ, ngành và địa phương có liên quan. Còn những nhà sau khi có Luật PCCC thì trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà. Nếu không đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ nghiên cứu đánh giá một cách chính xác, yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục có thời hạn, không khắc phục được thì có các chế tài xử lý triệt để.
Bà con có thể yên tâm sống trong các tòa nhà chung cư nếu tòa nhà đó đủ điều kiện an toàn. Nhưng như tôi đã nói, một yếu tố rất quyết định là ý thức của mọi người. Với kinh nghiệm 30 năm làm công tác PCCC, tôi cho rằng, nếu mọi người cùng hợp tác thì tôi khẳng định rằng, chúng ta có thể ngăn chừa, ngăn chặn được đáng kể các vụ cháy.  
* Xin cảm ơn ông!