“Giành cái còn lại trong cái mất”

|

Đó là câu “tuyên ngôn” khi đề cập đến lực lượng Cảnh sát PCCC và được xem là về công việc hàng ngày của người lính PCCC. 

Vì sự an toàn của người dân, người lính chữa cháy luôn xả thân chiến đấu với “giặc lửa”

Hình ảnh người chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, xông vào nơi đang xảy ra cháy nổ, chiến đấu với “giặc lửa” trong tình huống có thể bị tường đè, thiếu oxy… để cứu người, tài sản, nhanh chóng dập tắt đám cháy hoặc nỗ lực cứu hộ người bị nạn luôn là hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.

Trong trận chiến đó, có niềm vui, hạnh phúc khi cứu được nhiều người, bảo vệ được tài sản của nhà nước và nhân dân. Nhưng cũng có những thất bại với nỗi buồn day dứt khi không khống chế được ngọn lửa, đuối nước gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhiều người. Trên trận tuyến ấy, lúc nào chiến sĩ chữa cháy cũng phải luôn ở tư thế sẵn sàng, kể cả lúc ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí… bởi cháy nổ, cứu nạn cứu hộ luôn là những tình huống bất ngờ cần sự có mặt của người chiến sĩ Cảnh sát PCCC nhanh nhất có thể.

Tâm sự về nghề, một chiến sĩ trẻ bộc bạch chân thành trên Facebook: “Những khi xảy ra cháy, những người lính cứu hỏa chúng tôi lập tức lên đường và lao vào đám cháy đương đầu với biết bao hiểm nguy khôn lường để cố giành cái còn lại trong cái mất cho nhân dân, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại của vụ cháy. Để được trở thành người lính cứu hỏa không hề đơn giản vì phải có sức khỏe, phải yêu nghề và giàu lòng can đảm, phản xạ nhanh nhẹn, thông minh trong các trường hợp. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên tập luyện, dựng những vụ cháy giả để diễn tập nhằm ứng phó nhanh trong thực tế chiến đấu với “giặc lửa” có sức nóng lên đến hàng trăm độ...”.

Lính cứu hỏa gần như “lên ca” thường xuyên do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ để lúc nào cũng có thể hoạt động hết công suất. Cái nghề trái khoáy là vậy mà những lính cứu hỏa vẫn ngày đêm bất chấp hiểm nguy, chiến đấu với “giặc lửa” trong tình huống có thể bị tường sập, lụt bão, hoặc thiếu oxy để thở... để nhanh chóng dập tắt đám cháy, giữ được tài sản, cứu sống nhiều người... Nhưng không phải lúc nào ra quân, những người lính cứu hỏa cũng chiến thắng; vì vậy, không ít vụ khiến những người lính kiên cường ấy phải rơi nước mắt, bởi sự hung tàn của “giặc lửa” đã đem đến những nỗi đau thương không dễ nguôi ngoai cho nhiều gia đình... Mỗi người lính cứu hỏa luôn tâm niệm rằng, phải cố gắng hết sức để nâng cao hiệu quả của công tác PCCC tại cơ sở, nâng cao tinh thần và ý thức cảnh giác phòng ngừa hỏa hoạn tốt ở mỗi người dân nhằm mang lại sự ổn định, bình yên cho gia đình và cộng đồng”.

Có lẽ người chiến sĩ trẻ ấy bỏ qua hoặc không muốn nhắc lại những nguy hiểm của nghề đã chọn. Trong cuộc chiến với “giặc lửa”, với dòng nước lũ để cứu người, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người tham gia chiến đấu. Dư luận vẫn còn chưa hết bàng hoàng, xót thương qua vụ một chiến sĩ cảnh sát PCCC TPHCM hy sinh, 2 chiến sĩ khác bị thương nặng trong quá trình dập lửa ở một nhà kho trên địa bàn quận Bình Tân, TPHCM mới đây thì giờ lại thêm một chiến sĩ Cảnh sát PCCC còn rất trẻ cũng anh dũng hy sinh trong quá trình cứu hộ.

Chiều 3-3, thủy điện An Khê Ka Nak xả lũ, vào thời điểm này, chiếc ô tô tải chở mía đi qua đập tràn bị chết máy. Do đang lúc thủy điện xả lũ, nước dâng cao và chảy mạnh, tài xế trèo lên nóc xe. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát phòng PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Khu vực thị xã An Khê thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Gia Lai, đã điều cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường làm nhiệm vụ. Trong lúc vật lộn với dòng nước chảy xiết để cứu tài xế, thượng sĩ Bùi Minh Quý (25 tuổi, quê Hà Nam) đã bị dòng nước cuốn xuống ngầm tràn.

Mặc dù được đồng đội tích cực ứng cứu, nhưng dòng nước càng ngày càng chảy mạnh nên rất khó tiếp cận với thượng sĩ Quý. Ngay lập tức, đơn vị chức năng đã gọi điện yêu cầu Nhà máy Thủy điện An Khê Ka Nak tạm dừng xả nước. Đến 15 giờ 35 phút, các đồng đội mới đưa được thi thể thượng sĩ Bùi Minh Quý lên bờ. Riêng tài xế xe tải đã được cán bộ chiến sĩ còn lại giải cứu an toàn. Sự hy sinh khi quên mình làm nhiệm vụ của chiến sĩ trẻ đã khiến những người có mặt tại hiện trường lặng người vì xúc động, xót thương.

Vất vả, khó khăn, nguy hiểm đến vậy nhưng tất cả những chiến sĩ PCCC khi chúng tôi hỏi có bao giờ hối hận khi theo nghề này và muốn chuyển nghề thì gần như đều có cùng câu trả lời là không hối hận và cũng rất muốn được… thất nghiệp khi việc “phòng” trong toàn dân được thực hiện tốt. Bởi nếu “phòng” tốt, sẽ hạn chế rất nhiều vụ hỏa hoạn, đuối nước, tai nạn... Khi đó, sẽ ít đi những con số thương vong, thiệt hại tài sản và giấc mơ... thất nghiệp của Cảnh sát PCCC mới trở thành hiện thực.