Chọn nhân sự cấp ủy đúng và trúng - Bài 2: Làm đến đâu, chắc đến đó

|

Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng với định hướng TPHCM tiếp tục là đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thực hiện được định hướng của Trung ương cũng như đáp ứng kỳ vọng của người dân, TPHCM xác định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về đạo đức, lý luận, chuyên môn là yếu tố then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ theo quy trình chặt chẽ, “làm đến đâu, chắc đến đó”.

Trau dồi chuyên môn, tu dưỡng đạo đức

Để chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2025-2030, Thành ủy TPHCM đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2025-2030, với 84 cán bộ.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu mỗi cán bộ tự soi rọi lại bản thân để tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Mỗi cán bộ phải thấm nhuần tinh thần học tập, học tập suốt đời, học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước.

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng là quan điểm nhất quán của Đảng bộ TPHCM suốt thời gian qua về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thành phố đã tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức và ngành đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.

Giao việc để cán bộ trẻ cọ xát thực tiễn. Ảnh: THU HƯỜNG

Đến thời điểm hiện tại, lớp đào tạo Thạc sĩ Chính sách công và Quản lý công với 41 học viên, do Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM phối hợp Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức, đang bước vào những tháng cuối khóa. Theo GS-TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, các chương trình hướng đến việc nâng cao năng lực của cán bộ, công chức nhằm đáp ứng nhu cầu mới, triển khai thành công Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội.

UBND TPHCM cũng đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị TPHCM giai đoạn 2021-2025. Sở Nội vụ đã ký kết với Học viện Cán bộ TPHCM đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố; triển khai chương trình hợp tác giữa UBND TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của thành phố giai đoạn 2022-2025 và Đề án Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản trị tiên tiến, ngoại ngữ cho cán bộ công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2022-2025.

Các địa phương trên địa bàn TPHCM cũng chủ động nhiều giải pháp để nâng chất đội ngũ cán bộ của địa phương mình với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu vị trí việc làm và rèn luyện qua thực tiễn ở từng vị trí, chức danh. Trong đó, khóa đào tạo Thạc sĩ Điều hành cao cấp Quản lý công của quận 7 với hơn 40 học viên vừa hoàn tất.

Quận 3 đã phối hợp với Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức 2 khóa đào tạo Thạc sĩ Quản lý công hệ điều hành cao cấp cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý và quy hoạch các chức danh trên; đồng thời hỗ trợ kinh phí học cao học cho nhiều cán bộ.

Ban Thường vụ Quận ủy quận 4 đã phối hợp Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cán bộ đương nhiệm và quy hoạch thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban Thường vụ Quận ủy quản lý. TP Thủ Đức cũng ký kết cùng Đại học Kinh tế TPHCM, huyện Bình Chánh ký kết với Đại học Quốc gia TPHCM đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ các nhiệm vụ tại địa phương nói riêng, TPHCM nói chung.

Năm 2022, Sở Nội vụ TPHCM đã tổ chức 246 lớp cho 19.364 cán bộ, công chức, viên chức tham gia dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm.

Năm 2023, tổ chức 177 lớp trong nước và 8 khóa ở nước ngoài cho hơn 15.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm.

Trong 9 tháng năm 2024, Sở Nội vụ TPHCM đã cử gần 4.500 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

Chăm chút cán bộ trẻ, cán bộ nữ

Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị xác định, một trong những yêu cầu trong quy hoạch là phải đảm bảo số lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy phải đảm bảo ít nhất từ 15% trở lên.

Tính đến cuối tháng 4-2024, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM có 20% là nữ; cấp ủy tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy có 31,8% là nữ. Các quận ủy, huyện ủy có đông cán bộ nữ tham gia cấp ủy và Ban Thường vụ cấp ủy là quận 1, quận 4, quận 5, quận 8, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh… Trong số 786 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý, có 206 đồng chí là nữ (tỷ lệ 26,2%).

Bà Quách Tú Anh, 38 tuổi, Chủ tịch UBND phường 9, quận 4, là một trong nhiều cán bộ nữ, trẻ được quan tâm tạo điều kiện tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cũng như điều động, luân chuyển, bố trí các vị trí chủ chốt. Trong quá trình học tập và luân chuyển vị trí làm việc, bà Tú Anh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy để hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như có cơ hội thăng tiến trong công việc. Tính đến nay, quận 4 có 201 cán bộ chủ chốt, trong đó có 80 cán bộ nữ (tỷ lệ 39,8%) và 44 cán bộ trẻ (tỷ lệ 21,8%).

Một điển hình trong công tác tạo nguồn, đào tạo và bố trí công tác quản lý, lãnh đạo tại quận 11 là bà Liêu Thị Liên (dân tộc Hoa), Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Bí thư Đảng ủy phường 7. Trong quá trình công tác từ năm 1994 đến nay, bà Liên luôn được quan tâm tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

Việc quan tâm đào tạo cán bộ trẻ cũng được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Chánh Văn phòng Quận ủy quận 7, nằm trong 36,4% cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ quận 7 nhiệm kỳ 2025-2030. Chánh Văn phòng Quận ủy quận 7 Nguyễn Đăng Thoại nhận xét, ông Trung là cán bộ trẻ đã được đào tạo bài bản về chuyên môn và được rèn luyện qua thực tiễn công tác tại đơn vị. Năng lực, sự nhiệt huyết của ông Trung được chứng minh qua thời điểm TPHCM căng mình phòng chống dịch Covid-19.

Quận 7 cũng đã quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ quận 7 nhiệm kỳ 2025-2030, có tỷ lệ cán bộ nữ đạt 50%; quy hoạch Ban Thường vụ Quận ủy có tỷ lệ nữ đạt 43,75%, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đạt 12,5%...

Tại huyện Bình Chánh, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2025-2030 đều đạt và vượt so với quy định. Đến nay, có 14/61 cán bộ trẻ (tỷ lệ 23%, cán bộ trẻ nhất là 29 tuổi) và 33/61 cán bộ nữ (tỷ lệ 54,1%).

Tuy vậy, nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ vẫn đang là bài toán đặt ra với TPHCM, khi tỷ lệ cán bộ trẻ thuộc Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý chưa đạt so với quy định. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ cũng chưa đồng đều ở một số địa phương, đơn vị, có nơi chưa đảm bảo số lượng theo cơ cấu.

Để tháo gỡ khó khăn về công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ, lãnh đạo Thành ủy TPHCM yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát, bổ sung quy hoạch. Trường hợp chưa có nguồn thì cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm bổ sung nguồn quy hoạch từ nơi khác để đảm bảo chỉ tiêu.

Cán bộ trẻ, cán bộ nữ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025

Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM có 12 cán bộ nữ; không có cán bộ trẻ dưới 40 tuổi.

Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý: 16 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi (tỷ lệ hơn 2%), 206 cán bộ nữ (tỷ lệ 26,2%).

Cán bộ lãnh đạo là trưởng, phó phòng và tương đương: 269 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi (tỷ lệ 42,9%), 211 cán bộ nữ (tỷ lệ 33,65%).

Lãnh đạo các cấp ủy, lãnh đạo, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị triển khai quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ tới; qua triển khai đã quy hoạch 1.559 cán bộ, công chức, viên chức trẻ (dưới 35 tuổi) vào các chức danh diện cấp ủy trực thuộc Thành ủy, cơ quan, đơn vị quản lý; 20 cán bộ, công chức, viên chức trẻ (dưới 40 tuổi vào các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý).

Chọn nhân sự cấp ủy đúng và trúng - Bài 3: Cán bộ phải có khả năng đổi mới