Đích đến của những câu chuyện lịch sử

|

Những câu chuyện lịch sử được chia sẻ, đăng tải trên trang web, trang số hóa (VR) không đơn thuần là cách kể chuyện theo hình thức mới. Đây còn là diễn đàn, là “mặt trận” để các thế hệ cựu cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên... đẩy lùi tiêu cực và các luận điệu xuyên tạc lịch sử dân tộc ta.

Giao diện website số hóa Đường 1C huyền thoại

Không để lịch sử bị xóa nhòa

Theo TS Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam, đến nay, các thế lực phản động vẫn tìm cách công kích, bôi nhọ sự thật lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta là một trong những cuộc đấu tranh chính nghĩa nhằm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của cả dân tộc. Suốt thời gian qua, những thông tin xấu độc, bôi nhọ về sự thật hiển nhiên này vẫn còn lan truyền trên mạng. Và không thể phủ nhận là các nội dung xuyên tạc này trong một số thời điểm vẫn làm ảnh hưởng đến kiến thức và tâm lý của thế hệ trẻ.

“Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 4, tháng 5 với nhiều sự kiện lịch sử, vì vậy các thế lực thù địch tăng cường tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo sự thật. Đây cũng là điều bản thân tôi và các anh em trong ban liên lạc trăn trở bấy lâu, làm cách nào để có một trang thông tin chính thống vừa lan tỏa giá trị lịch sử, vừa góp phần đẩy lùi các thông tin tiêu cực, gìn giữ giá trị xương máu của ông cha ta đã bỏ ra”, TS Lê Hồng Liêm chia sẻ.

Vì vậy, mới đây, Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam đã cho ra mắt trang web của ban và trang số hóa Đường 1C, tại địa chỉ https://cuucbdtnvnphianam.vn. Việc ra mắt trang web nhằm giới thiệu các hoạt động của ban liên lạc, từng bước thực hiện số hóa các hoạt động của Đoàn theo định hướng của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

Mục đích, tôn chỉ của trang web là “Nhớ ơn liệt sĩ - Đáp nghĩa đồng bào - Chăm lo đồng đội - Truyền tiếp lửa cho thanh niên”. Trang web có 7 nội dung, trong đó 3 nội dung chính gồm: trang “Mãi mãi tuổi 20” khái quát hoạt động 6 năm của ban liên lạc kể từ khi thành lập đến nay; trang “Vẫn có chúng tôi” thể hiện 11 hoạt động, chương trình của ban liên lạc; trang “Một thời để nhớ” tập hợp các bài viết, hình ảnh của các thành viên, cũng như cán bộ Đoàn.

Trang web sẽ là kênh thông tin nhằm tiếp lửa truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng và cả những giá trị truyền thống Đường 1C huyền thoại. Các hoạt động đăng tải chủ yếu gồm tuyên truyền, giới thiệu những câu chuyện về người thật việc thật, những kỷ vật, kỷ niệm của các chiến binh đã chiến đấu trên tuyến đường 1C.

Lan tỏa đến thế hệ trẻ

Những câu chuyện được đăng tải trên trang web đã khiến nhiều bạn trẻ rơi nước mắt. Anh Nguyễn Trần Trung Hải, Bí thư Đoàn phường 1 (quận 8), chia sẻ, bản thân vô cùng xúc động khi được nghe, được đọc những câu chuyện lịch sử gắn liền với tuyến đường 1C. Những câu chuyện được kể từ các nhân chứng sống như bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Tiểu đội trưởng TNXP tuyến đường 1C; hay bà Phạm Tuyết Hồng, cựu nữ TNXP tỉnh Cà Mau, đã thoát ly gia đình đi TNXP trên tuyến đường 1C khi mới 15 tuổi... để lại trong lòng anh sự xúc động và biết ơn sâu sắc.

Là thủ lĩnh Đoàn phường, anh Hải cho biết sẽ chia sẻ, lan tỏa sâu sắc hơn nữa trang web của ban liên lạc - địa chỉ uy tín về các hoạt động, sự kiện lịch sử - đến đoàn viên, thanh niên địa phương. Qua đó, vừa góp phần cùng ban liên lạc gìn giữ giá trị lịch sử; vừa giáo dục, rèn luyện cho tuổi trẻ phường 1 (quận 8) lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị vững vàng, không lung lay trước thông tin xấu độc.

Tháng 7-1967, do tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bị đánh phá ác liệt, một tuyến đường trên bộ với mật danh 1C đã được thành lập nhằm chuyển vũ khí từ Campuchia về chiến trường Tây Nam bộ. Hơn 13.000 tấn vũ khí, trên 30.000 người đã được vận chuyển, di chuyển qua tuyến đường này. Khoảng 400 TNXP đã mãi mãi nằm xuống trên tuyến đường 1C huyền thoại và hơn 300 người khác bị thương.

Chia sẻ với người viết, TS Lê Hồng Liêm cũng tin tưởng rằng, trang web sẽ là diễn đàn để thế hệ trẻ hiểu và trân quý giá trị của độc lập, tự do; cùng với thế hệ đi trước đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

“Những người cựu cán bộ Đoàn dày dặn kinh nghiệm không bao giờ ngần ngại để bảo vệ lẽ phải. Tuy nhiên, chúng ta cũng không bảo thủ, nếu có vấn đề gì không đúng sẽ sẵn sàng kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Chúng ta phải có lập trường và niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả”, TS Lê Hồng Liêm nhấn mạnh.

Và cuối cùng, đích đến của tất cả những nỗ lực số hóa hay thay đổi phương thức kể chuyện lịch sử là thế hệ trẻ sẽ càng thêm yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, sẽ đoàn kết chống lại các thế lực thù địch đang len lỏi ngay cả trong thời bình.

Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM, ngoài trang web, Ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam có thể phát triển thêm nội dung trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube… đang được giới trẻ ưa chuộng để tuyên truyền sâu rộng hơn. Có thể biến những câu chuyện lịch sử thành các clip ngắn gọn, súc tích để dễ dàng tiếp cận đối tượng trẻ. Trung tâm Báo chí TPHCM - nơi cung cấp thông tin đầu nguồn của thành phố - sẽ tạo mọi điều kiện để giới thiệu các sản phẩm truyền thông của ban, làm tốt hơn công tác tuyên truyền, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.