Lâm Đồng: Tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp khai thác cao lanh

|

Nhiều đơn vị khai thác, chế biến cao lanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quá trình hoạt động bộc lộ nhiều bất cập, sai phạm, gây bức xúc trong dư luận. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo siết chặt công tác quản lý nhằm chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề còn tồn tại.

Trước những bất cập trong hoạt động khai thác cao lanh, ngày 5-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã ký văn bản yêu cầu Công ty CP L.Q Joton Lâm Đồng, Công ty CP khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng, Công ty TNHH thương mại và trồng trọt Tuấn Thiện, Công ty TNHH Anh Kiên chấp hành, thực hiện quy định về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường; kê khai sản lượng khai thác, chế biến, thuế, phí và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.

Các đơn vị nêu trên phải chủ động rà soát, hoàn thành các hồ sơ thủ tục đầu tư còn thiếu, chưa hoàn chỉnh; xây dựng lộ trình chế biến sản phẩm sau khai thác, tập trung nguồn lực để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền khai thác gắn với chế biến, tinh chế sản phẩm cao lanh nhằm nâng cao giá trị, hạn chế xuất bán sản phẩm thô.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động khai thác, chế biến; định kỳ hoặc đột xuất phải báo cáo tình hình hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu theo quy định…

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến cao lanh của các tổ chức khai thác chế biến cao lanh trên địa bàn tỉnh; trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định trong quý II-2023.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh thực hiện tính, truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp; Công an tỉnh Lâm Đồng xác minh xử lý dứt điểm hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khai thác cao lanh trái phép tại địa bàn (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 4 dự án đầu tư khai thác, chế biến cao lanh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cao lanh gồm: Công ty CP L.Q Joton Lâm Đồng, Công ty CP khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng, Công ty TNHH thương mại và trồng trọt Tuấn Thiện, Công ty TNHH Anh Kiên.

Tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án khoảng 524 tỷ đồng, diện tích thực hiện dự án 211ha, trữ lượng 17.648.184 tấn. Từ khi được cấp phép khai thác đến hết năm 2022, các doanh nghiệp đã khai thác 1.745.382 tấn cao lanh, nộp ngân sách nhà nước 174 tỷ đồng.

Nhìn chung, các công ty nói trên chủ yếu khai thác cao lanh lộ thiên, xuất bán cao lanh thô cho các đơn vị tiêu thụ trong nước để sản xuất gạch men, gốm sứ, sơn; chưa thực hiện tốt bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác; chậm đầu tư máy móc thiết bị chế biến sâu, tinh chế cao lanh để nâng cao giá trị gia tăng.