Đồng Tháp: Phát triển lúa sinh thái góp phần bảo tồn sếu đầu đỏ

|

Ngày 10-12, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết vừa ban hành Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Nông dân trên địa bàn huyện Tam Nông sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ

Đề án có nhiệm vụ quan trọng là phục hồi hệ sinh thái, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế cho người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu về môi trường tự nhiên.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng sếu, tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, địa phương còn sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim ở các khu vực tiếp giáp khu A4 Vườn Quốc gia Tràm Chim, gồm ô bao số 25 (xã Phú Đức) và ô bao số 43B (xã Tân Công Sính) cùng thuộc huyện Tam Nông.

Phát triển vùng lúa sinh thái - hữu cơ là nơi có tiềm năng xây dựng thương hiệu “Gạo Sếu Tam Nông”

Cụ thể, từ vụ đông xuân 2023 - 2024 đến 2027 đạt diện tích 200ha và đến năm 2032 phát triển nhân rộng mô hình ra khu vực vùng đệm. Riêng vùng lúa sinh thái - hữu cơ sẽ là nơi phục hồi đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động từ canh tác lúa sử dụng hóa chất và tận dụng lợi thế mùa nước nổi.

Phát triển vùng lúa sinh thái - hữu cơ là nơi có tiềm năng xây dựng thương hiệu “Gạo Sếu Tam Nông” ở thị trường nội địa và quốc tế. Trên nền tảng đó sẽ gắn kết vùng lúa sinh thái - hữu cơ với du lịch sinh thái - du lịch ruộng vườn và tạo ra nông sản an toàn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện sức khỏe cho cộng đồng cư dân sinh sống quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim.

UBND huyện Tam Nông sẽ thực hiện việc sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ bắt đầu thực hiện từ vụ hè thu 2023, với quy mô 39ha/4 hộ tham gia.

Sau 4 vụ triển khai, đến vụ hè thu 2024 diện tích tăng lên 312,5 ha/41 hộ (tăng 112,5 ha so kế hoạch). Đây cũng là giải pháp quan trọng trong việc định hướng thay đổi thói quen canh tác của nông dân, chuyển dần sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.