Khánh thành xong là… đóng cửa
Một ngày đầu thu, nhóm PV Báo SGGP đến TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) và chứng kiến khung cảnh đìu hiu, hoang lạnh của các công trình: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2. Mỗi bệnh viện đều có quy mô thiết kế tới 1.000 giường trên diện tích khoảng 21ha, tổng mức đầu tư mỗi cơ sở hơn 4.500 tỷ đồng.
Hàng vạn người dân ở khu vực đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang từng ngày mong chờ bệnh viện đi vào hoạt động để thoát khỏi cảnh chen chúc điều trị tại Hà Nội. Nhưng thực tế không như mơ! Bên trong dự án, dù Dự án Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành khoảng 90% nhưng chỉ có cỏ dại mọc um tùm, thậm chí một số tòa nhà có dấu hiệu bong tróc, rêu mốc, có chỗ nước ngập, người dân tận dụng thả vịt, nuôi trâu bò…
Khởi công từ năm 2014, đến tháng 10-2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã được khánh thành. Nghịch cảnh xảy ra, sau khi khánh thành, cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức “đắp chiếu” suốt 6 năm qua, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân nào. Còn khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2020, sau đó cũng ngừng hoạt động. Đây chính là 2 dự án Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến khi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào chiều 26-10. Hai dự án được Nhà nước bỏ tiền xây dựng hàng chục năm qua, nhưng đến nay vẫn “treo”, rất lãng phí.
Theo Tổ công tác của Thủ tướng, 2 dự án này vướng mắc chủ yếu do việc lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Trong đó, việc tổ chức đấu thầu, điều khoản thanh toán trong hợp đồng không phù hợp quy định, dẫn đến thanh toán vượt giá trúng thầu - không đúng quy định của Luật Đấu thầu. Đại diện ban quản lý dự án cho biết, nguyên nhân do đơn vị lần đầu thực hiện dự án, thiếu kinh nghiệm, chưa lường hết được các phát sinh khi triển khai.
Cách đây 7 năm, khi Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi (vốn đầu tư trên 1.100 tỷ đồng) được khởi công, nhiều người dân TP Quảng Ngãi vỡ òa vui sướng vì lần đầu tỉnh nhà có bệnh viện hiện đại bậc nhất miền Trung. Tuy nhiên, khi đến thăm dự án y tế ngàn tỷ này vào cuối tháng 11, chúng tôi chỉ thấy một khu đất được rào chắn bởi những vách tường bê tông rêu phủ. Leo lên tường rào, nhìn vào khu “y tế kỹ thuật cao”, chúng tôi không khỏi rùng mình vì cả khu đất chìm trong cỏ dại, bụi rậm um tùm như cánh rừng hoang thu nhỏ giữa lòng TP Quảng Ngãi. Giữa khu rừng hoang “bất đắc dĩ” này là một ao nước tù đọng, dày đặc những thanh thép rỉ sét...
Ông Nguyễn M.A. (67 tuổi, cán bộ hưu trí, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) bày tỏ sự bất bình: Dự án từng được nhân dân TP Quảng Ngãi kỳ vọng, ước ao lắm, nhưng ai dè bệnh viện chưa kịp xây đã “đột tử”. Nhà sát bên dự án, ông Lê Toàn bức xúc nói thêm: Dự án kiểu gì mà sau bao năm vẫn là khu đất hoang, hầm hố tù đọng nước, rác rưởi ô nhiễm lắm! Do Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi góp vốn với đối tác đầu tư, quy mô 500 giường bệnh, 8 phòng mổ chất lượng quốc tế, tiêu chuẩn bệnh viện loại I, diện tích trên 11.000m2, dự án này được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Các bên động thổ thi công tháng 6-2017, nhưng đến quý 2-2020 dự án ngừng đến nay.
Sau khi vào cuộc, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi phát hiện, Sở KH-ĐT và Sở TN-MT tỉnh để xảy ra vi phạm khi chưa thực hiện thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất; chủ đầu tư xây dựng trái phép; chậm đưa đất vào sử dụng; quá trình xác định giá trị làm cơ sở thỏa thuận và góp vốn cũng trái luật… Đến tháng 10-2023, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất dự án, chuyển 1,1ha đất trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để quản lý, tổ chức bán đấu giá. Dù vậy, đến nay dự án vẫn chưa ngã ngũ, bởi các đối tác của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã đổ vào dự án 147 tỷ đồng.
Theo một đại diện Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi, đơn vị đã có 7 lần gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ, văn bản pháp lý dự án, nhưng đến nay họ vẫn không cung cấp được. Ngay từ ban đầu khi triển khai dự án này đã không đầy đủ hồ sơ pháp lý, nên công tác thẩm định giá trị tài sản rất khó khăn. Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo Sở Tài chính Quảng Ngãi băn khoăn: Giờ việc thẩm định có 2 bước, vừa thẩm định về giá, vừa thẩm định giá trị còn lại công trình. Trong khi công trình đã xây dựng ở dưới đất sâu, còn hồ sơ ở trên mặt đất là sở y tế và bệnh viện đa khoa tỉnh!
Bệnh viện ung bướu bị “di căn”
Xuôi dần về phương Nam, nhóm PV Báo SGGP dừng chân tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, quy mô 500 giường, có vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng. Dự án khi đưa vào vận hành từng được kỳ vọng sẽ là bệnh viện điều trị ung bướu lớn và hiện đại nhất vùng ĐBSCL, từng bước giải quyết nỗi khổ sở trong khám chữa bệnh của hàng triệu người dân vùng châu thổ. Nhưng, sau ngày khởi công (tháng 11-2007) đến nay (tròn 17 năm), dự án đã bị “di căn” thành… một “khối bê tông khổng lồ”, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Ghi nhận hiện trạng dự án này vào cuối tháng 11-2024, không khác gì một tổ hợp… nhà hoang. Bên trong khuôn viên dự án gần 15.000m2 đất không một bóng người, cỏ mọc um tùm; vật liệu xây dựng, cần trục, giàn giáo, máy móc ngổn ngang; nhiều hạng mục được thi công dang dở. Do bỏ hoang nhiều năm, nhiều mảng tường công trình bắt đầu hư hỏng, bong tróc, rêu phủ đầy. Trên sân thượng các khối nhà và sàn nhà ở tầng trệt, nước mưa đọng thành ao tù, bốc mùi hôi thối. Ở phía ngoài, hàng rào tôn và bảng công trình đã phai màu, biến dạng…
Chứng kiến công trình ngàn tỷ đồng bỏ hoang nhiều năm, nhiều người dân sống xung quanh không khỏi tiếc nuối, bức xúc. Ông Cao Phong Hoàng, nhà ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, sống cạnh dự án, bày tỏ: “Công trình bỏ hoang nhiều năm không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước, mà còn gây lãng phí quỹ đất của địa phương, do nằm ngay trung tâm TP Cần Thơ, vốn giá trị sử dụng đất rất lớn. Hậu quả lớn hơn là hàng triệu người dân miền sông nước Cửu Long không có nơi khám chữa bệnh thuận lợi, kịp thời. Cơ hội sống của những người bệnh nặng cũng thấp hơn vì phải lên TPHCM chữa trị, vừa xa vừa tốn kém”.
Cùng ở khu vực dự án, bà Hà Kim Hường cũng lên tiếng, bên cạnh lãng phí tiền của, công trình bỏ hoang nhiều năm này còn gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh. Bà con nhiều lần phản ánh, nêu ý kiến trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri. Mỗi lần như vậy, lãnh đạo TP Cần Thơ giải thích dự án đang vướng tài chính và hứa gỡ sớm, mong người dân thông cảm, chờ thêm thời gian để bệnh viện hoàn thành, nhưng chờ đến bao giờ thì chưa biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án chỉ đạt hơn 21% giá trị khối lượng hợp đồng Tổng thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công). Trong đó, hạng mục xây dựng đạt 82%, hạng mục cung cấp và lắp đặt thiết bị xây dựng chỉ đạt khoảng 16%. Nguyên do chậm trễ là vướng mắc về việc điều chỉnh các trang thiết bị y tế, hạng mục cung cấp và lắp đặt. Đến ngày 10-7-2022, hợp đồng giữa Sở Y tế TP Cần Thơ (chủ đầu tư dự án) và liên danh nhà thầu hết hiệu lực, thế nên dự án phải “trùm mền” 2 năm qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 (tại Hà Nam) đã được triển khai xây dựng từ năm 2015. Trong quá trình thi công, tổ chức thực hiện hợp đồng, có nhiều vướng mắc liên quan. Đầu năm 2021, dự án tạm dừng thi công. Từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc, chưa có cơ chế xử lý những vấn đề khó khăn liên quan đến dự án.
Thời gian qua, Tổ công tác của Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần rà soát hồ sơ dự án và đánh giá một cách toàn diện những vấn đề pháp lý và vi phạm có liên quan; nghiên cứu, xác định những khó khăn, vướng mắc cơ bản cần tháo gỡ, trên cơ sở đó, đề xuất các phương án để xử lý, giải quyết. Bộ Y tế đang phối hợp các bộ ngành để có phương án khả thi, sớm trình các cấp có thẩm quyền cho phép cơ chế giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Hiện khối lượng hoàn thành dự án của Bệnh viện Bạch Mai đã trên 90%, dự án của Bệnh viện Việt Đức khoảng 60%.
>>> PV Báo SGGP ghi nhận cảnh dự án bệnh viện chất lượng cao 1.100 tỷ ở Quảng Ngãi chìm trong bụi rậm, cỏ dại nhếch nhác giữa lòng TP Quảng Ngãi: Ảnh: NGỌC OAI