Xử lý nghiêm “chiêu trò” tại các phiên đấu giá đất ở Hà Nội

|

Dư luận gần đây không khỏi “sốc” trước nhiều cuộc đấu giá đất ven đô ở Hà Nội có giá đất trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

Mới đây nhất, ngày 29-11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2. Nhưng tới vòng đấu thứ 5, một khách hàng có tên là Phạm Ngọc Tuấn đã trả giá tới 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất (lô A12, A13, C6).

Cùng với đó, một số khách hàng khác cũng trả giá 23 thửa đất khác từ 98,4 triệu đồng tới 101,4 triệu đồng/m2. Bất ngờ hơn, tới vòng thứ 6 (vòng đấu cuối cùng), khách hàng không tiếp tục trả giá đối với 36 thửa đất. Kết thúc phiên đấu giá, chỉ có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2 và cao nhất 50,4 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, nhóm khách hàng trả mức giá cao khủng khiếp trên đều xin rút không đấu giá nữa.

Sau đó 1 ngày, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng tổ chức đấu giá 22 lô đất tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động. Cuộc đấu giá này không thành công vì tới vòng đấu thứ 8, sau khi một số lô đất được trả ở mức rất cao (70,3-80,3 triệu đồng/m2), khách hàng bất ngờ đồng loạt bỏ cuộc, không trả giá tiếp.

Trước đó, tại một số huyện ngoại thành Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh… cũng đã tổ chức đấu giá đất với mức giá trúng đấu giá gấp nhiều lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, sau đó có không ít lô đất trúng đấu giá với giá rất cao đã bị “bùng”.

Ảnh minh họa

Qua các cuộc đấu giá đất trên cho thấy, đất đấu giá ở ngoại thành Hà Nội nói riêng và thị trường bất động sản nói chung tiếp tục nóng bỏng nhưng cũng chứa đựng nhiều bất thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể tới là sự khan hiếm nguồn cung ở các đô thị lớn và tâm lý đầu cơ, tích trữ nhà, đất vẫn phổ biến. Cùng với đó là sự thiếu minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thiếu các quy định kiểm soát hoạt động đấu giá đất.

Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội từng thừa nhận, qua rà soát đấu giá đất tại Hà Nội cho thấy, đã xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu để ở, tham gia đấu giá nhằm mục đích kinh doanh, đầu cơ. Đồng thời, cũng có tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền, bỏ tiền đặt cọc, nhằm “làm giá”, “thổi giá” gây nhiễu loạn giá thị trường đất đai.

Việc lợi dụng đấu giá đất để trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2 hay hàng trăm triệu đồng/m2, rồi bỏ cuộc có thể coi là hành vi “lách luật” nhằm gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát chặt chẽ mọi quy trình, thủ tục đấu giá đất để bịt các lỗ hổng (nếu có); đồng thời khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân, nhóm, cố tình thao túng thị trường bất động sản nhằm trục lợi, gây rối loạn thị trường và đẩy rủi ro cho người có nhu cầu.